Theo ông Đặng Văn Hòa, những ngày qua, đơn vị đã yêu cầu các chủ hồ đập tăng lưu lượng vận hành điều tiết xả lũ (hồ thủy điện Hương Điền vận hành xả từ 300-700m3/s; hồ thủy điện Bình Điền từ 100-400m3/s; hồ thủy điện A Lưới vận hành điều tiết lớn nhất khoảng 800m3/s...) để ứng phó với mưa lớn.
Tuy nhiên, từ khuya ngày 1 kéo dài đến sáng 2-12, mưa lớn cực đoan dồn dập ở thượng nguồn với lưu lượng khoảng 350mm khiến thủy điện Hương Điền (dung tích hơn 820 triệu m3) không còn khả năng tham gia giảm lũ cho hạ du.
Sáng 2-12, một số địa phương vùng thấp trũng khu vực hạ lưu sông Bồ bất ngờ ngập sâu do mưa lớn ở thượng nguồn |
Theo đó, lưu lượng nước đến hồ thủy điện Hương Điền bao nhiêu thì về hạ du sông Bồ bấy nhiêu. Thời điểm cao nhất lưu lượng nước đến hồ thủy điện Hương Điền là 2.515m3/s, lúc 4 giờ 15 sáng 2-12.
Thủy điện Hương Điền mất khả năng cắt lũ nên trong sáng 2-12, lũ sông Bồ (bên dưới thủy điện Hương Điền) lên rất nhanh và đạt đỉnh ở mức xấp xỉ báo động 3 và hiện lũ bắt đầu rút nhưng còn chậm.
Ngập lụt cục bộ tại khu vực hạ lưu sông Bồ |
Sáng 2-12, một số địa phương vùng hạ du sông Bồ như Quảng Điền, Phong Điền bị ngập cục bộ. Nước tràn qua đường, gây ách tắc giao thông một số tuyến như tỉnh lộ, đường liên xã ở Quảng Phú, Quảng Phước (Quảng Điền); Phong An, Phong Sơn (Phong Điền).
Cuộc sống người dân bị đảo lộn vì ngập lụt |
Sáng 2-12, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn cấp yêu cầu các địa phương rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, ven sông suối, vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.
Tăng cường giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, mưa lũ. Phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt.
Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn khi xảy ra mưa lũ.
Chỉ đạo kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn.