Hue-s niềm tự hào của tỉnh Thừa Thiên - Huế
Phát biểu tại Phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số quốc gia trên toàn địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giai đoạn 2019 - 2020 và 70% chỉ tiêu giai đoạn đoạn 2021 - 2025 được quy định tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ.
Nhiệm vụ “Triển khai ứng dụng nền tảng bản đồ số” được giao tại Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đến nay đã hoàn thành trước kế hoạch, cụ thể: Cơ sở dữ liệu nền đã được số hóa toàn tỉnh trong các lớp Địa chính, Biên giới, Dân cư và Cơ sở hạ tầng, Giao thông...; triển khai hơn 14 cơ sở dữ liệu GIS chuyên ngành; tích hợp hơn 50 quy hoạch lên hệ thống GIS Huế; tích hợp hơn 11 cơ sở dữ liệu GIS về đề tài nghiên cứu khoa học. Nền tảng Bản đồ số hiện nay đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế tích hợp trên nền tảng Hue-S để cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, chính nhờ sự vào cuộc và hành động đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, vì vậy liên tục trong các năm qua chỉ số xếp hạng của Thừa Thiên - Huế ngày càng được cải thiện và luôn nằm trong top đầu về các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh.
Cụ thể, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index): các năm 2019, 2020, 2021 xếp thứ 2 toàn quốc. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 xếp thứ 2 toàn quốc. Chỉ số cải cách hành chính (PAR index): tăng từ vị trí số 13 năm 2019 đến vị trí thứ 4 toàn quốc năm 2021. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI): tăng từ vị trí số 5 năm 2019 đến vị trí số 1 toàn quốc năm 2021; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS): tăng từ vị trí số 57 năm 2019 đến vị trí số 17 toàn quốc năm 2021; Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): tăng từ vị trí số 20 năm 2019 đến vị trí số 8 toàn quốc năm 2021.
Đặc biệt, mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S có thể nói là niềm tự hào của Thừa Thiên - Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai chuyển đổi số. Đến nay, Hue-S đã có gần 800.000 lượt tải ứng dụng, tương đương 101,3% tổng số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh với thời gian sử dụng trung bình 35 phút mỗi người/một ngày. Tính riêng năm 2021, đã có hơn 17.400.000 lượt truy cập. Hue-S cũng đã thu hút hơn 10 tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức tham gia tích hợp vào Hue-S.
Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên chuyển đổi số đối với các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh: y tế, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch và nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành công việc. Đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức. Hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là thành viên của Tổ Công nghệ số cộng đồng. Đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các tập đoàn, doanh nghiệp để liên kết, tích hợp các nền tảng số quốc gia đã được công bố nhằm nâng cấp nền tảng Hue-S theo hướng cung cấp toàn diện các dịch vụ số của cơ quan nhà nước cho doanh nghiệp và người dân.
Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022
Với Chủ đề "Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội", Tuần lễ chuyển đổi số - Huế 2022 diễn ra từ 17 đến 19-8 tại TP Huế và các địa điểm hoạt động bên lề khác.
Ngày 18-8, sẽ bắt đầu với Phiên toàn thể với chủ đề: “Chuyển đổi số đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội”, giúp cho các cấp, các ngành, các địa phương tiếp cận được định hướng, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phương pháp chuyển đổi số địa phương phù hợp thực tiễn và theo tình hình mới; nâng cao nhận thức làm cơ sở hoạch định chính sách và kế hoạch chuyển đổi số các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới.
Buổi chiều sẽ là Phiên chuyên đề “Chuyển đổi số - phát huy sức mạnh di sản - văn hoá tạo đà phát triển kinh tế số”. Chuyên đề tập trung làm rõ vai trò chuyển đổi số trong công tác quản lý di sản văn hóa, công cụ truyền thông nhằm lan tỏa và thẩm thấu trong xã hội nhằm phát huy và lan tỏa ra thế giới giá trị văn hóa và di sản. Xây dựng xã hội số trong lĩnh vực văn hóa di sản và đặc biệt là nâng cao nhận thức và tư duy hình thành ngành công nghiệp văn hóa di sản.
Ngày 19-8, tiếp tục với Phiên chuyên đề “Chuyển đổi số doanh nghiệp SMEs – động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên - Huế”. Kết hợp chương trình hỗ trợ chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động, giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp VINASA nhằm hướng đến xây dựng cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số.
Chiều cùng ngày, triển khai 2 chuyên đề song song: Chuyên đề “Tư vấn chuyển đổi số trong doanh nghiệp SMEs với 4 ngành chính. Xây dựng kênh đối thoại trực tiếp giữa các doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế với các doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu của VINASA để trao đổi” và Chuyên đề “Hue-S chuyển đổi số đồng hành cùng doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế”.
Ngoài ra, còn có các hoạt động bên lề như giao lưu sinh viên - VINASA đồng hành cùng sinh viên Huế: VINASA, Đại học Huế, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện. Triển lãm sản phẩm nền tảng, giải pháp công nghệ số tiêu biểu: VINASA chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh tổ chức thực hiện. Tham quan di sản văn hoá Huế: Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai thực hiện.