Thừa Thiên-Huế, có một địa đạo trong lòng Bạch Mã

Thừa Thiên-Huế, có một địa đạo trong lòng Bạch Mã

Địa đạo Bạch Mã được Bộ VH-TT-DL công nhận và cấp bằng Di tích quốc gia vào ngày 22-12-2009. Sự kiện này một lần nữa khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, xây dựng niềm tự hào nối tiếp truyền thống cha anh đã một thời “đục đá vá trời” để đánh thắng quân xâm lược.

Vườn quốc gia Bạch Mã thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, nằm cách trung tâm TP Huế 40km về phía Nam. Trong đó, địa đạo Bạch Mã gồm hai hệ thống địa đạo dài hàng trăm mét với chức năng là một “đài quan sát tiền tiêu” trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là địa đạo được hình thành từ bàn tay, khối óc của các chiến sĩ lực lượng Trung đoàn 6 (Quân khu Trị Thiên).

Các cựu chiến binh tham quan trong lòng địa đạo Bạch Mã.

Các cựu chiến binh tham quan trong lòng địa đạo Bạch Mã.

Ông Sáu Tích (tức Lê Sáu), nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Lộc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhớ lại, ngay sau Hiệp định Paris 1973 - chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, quân ngụy với chiêu bài “Việt Nam hóa chiến tranh” đã dùng hỏa lực mạnh, quân số đông, có máy bay trực thăng yểm trợ bất ngờ đổ bộ chiếm đóng, thành lập cứ điểm quân sự trên đỉnh Bạch Mã.

Bạch Mã có vị trí chiến lược quan trọng (địa hình hiểm trở, độ cao trên 1.400m, đứng trên điểm cao này có thể quan sát toàn bộ khu vực xung quanh thuộc các huyện Nam Đông và Phú Lộc, trong đó có hệ thống đường bộ và đường sắt Bắc – Nam đi qua), Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo Quân khu Trị Thiên bằng bất cứ giá nào cũng phải đánh chiếm, lấy lại điểm cao Bạch Mã và tổ chức phòng ngự. Trung đoàn 6 được giao nhiệm vụ tổ chức trận đánh.

Từ tối ngày 25-8-1973 đến 31-8-1973, lực lượng bộ binh và hỏa lực của ta đã tập kết ở Vọng Hải Đài sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. Trung đoàn 6 thống nhất chọn giờ phát hỏa là 17 giờ 15 phút ngày 5-9-1973. Và với sự chuẩn bị chu đáo, sau 30 phút tiến công, bộ đội ta đã tiêu diệt được 25 tên địch, bắt sống 38 tên (trong đó có 10 tên bị thương), thu 1 máy nổ 75w, 2 khẩu cối 81 ly, 4 khẩu cối 61 ly, 2 khẩu 21 ly và một số máy móc thông tin liên lạc… Làm chủ toàn bộ điểm cao Bạch Mã, tổ chức chốt giữ, kiểm tra, thu dọn chiến trường và phân công Đại đội 2 (Trung đoàn 6) ở lại giữ điểm cao Bạch Mã.

Quân khu Trị Thiên tiếp tục giao nhiệm vụ thiêng liêng cho Đại đội 2 tổ chức đào công sự, hầm chiến đấu (địa đạo), nhằm ngăn chặn kịp thời, đánh bại mọi âm mưu tái chiếm của địch, làm tròn nhiệm vụ của trạm quan sát tiền tiêu phục vụ chiến đấu cho đến ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Cụ thể, từ tháng 10-1973 đến tháng 1-1974, với sức người dùng cuốc chim, xẻng và xe cút kít tự tạo, Đại đội 2 đã chia lực lượng thành 2 nhóm đào địa đạo dưới đồi sân bay Bạch Mã (địa đạo số 1) và địa đạo dưới chân đồi Vọng Hải Đài (địa đạo số 2).

Địa đạo nằm dưới chân đồi sân bay Bạch Mã dài khoảng 214,68m với 3 cửa (2 cửa hướng Nam và 1 cửa hướng Đông Bắc). Địa đạo nằm dưới chân Vọng Hải Đài với 1 cửa hướng Nam dài 10m. Cách đỉnh Vọng Hải Đài chừng 50m theo hướng Bắc, từ địa đạo số 1 men theo con đường lát đá lên đồi Vọng Hải Đài chừng 750m, rẽ theo hướng Tây đi vào “con đường khám phá thiên nhiên” khoảng 50m là đến cửa địa đạo số 2. Địa đạo này hình chữ L, cao 1,8m, rộng 1,5m.

Hiện nay, địa đạo Bạch Mã đang được Ban quản lý Vườn Quốc gia Bạch Mã bảo quản chặt chẽ. Tuy nhiên, do tác động bởi thời tiết, cửa hướng Đông Bắc địa đạo số 1 đã bị lấp. Vì thế, Bảo tàng LSCM Thừa Thiên- Huế đề xuất phương án phối hợp với Vườn Quốc gia Bạch Mã lập dự án khai thông cửa phía Đông Bắc, phát quang khu vực xung quanh, trang bị hệ thống chiếu sáng trong lòng địa đạo, xây dựng biển, bia giới thiệu nội dung, cắm mốc bảo vệ di tích. Giới thiệu với các công ty du lịch tổ chức quảng bá, tuyên truyền, xây dựng các tour du lịch, tổ chức giao lưu gặp gỡ giữa cựu chiến binh với thế hệ trẻ ôn lại truyền thống đấu tranh quật cường của dân tộc.

V.Thắng – H.Cường

Tin cùng chuyên mục