(SGGPO). – Trận chung kết cuối cùng của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28-2015 nằm ở môn bóng chuyền nam trong sáng 16-6. Rất cố gắng thi đấu nhưng các cầu thủ chúng ta cũng không thể giành được HCV.
Giữ nguyên đội hình ra sân như ở các trận thi đấu trước cho thấy HLV Nguyễn Mạnh Hùng rất tin tưởng từng vị trí. Việt Nam tiếp tục dựa vào 3 mũi đánh chủ công là Từ Thanh Thuận, Nguyễn Hữu Hà và Nguyễn Văn Dữ ngay từ đầu. Nhưng có thế thấy, trong trận chung kết bóng chuyền nam này, hàng chắn với chiều cao lý tưởng của các tuyển thủ Thái Lan đã hóa giải khá hiệu quả những pha đập của chúng ta.
Đáng tiếc, Lê Quang Khánh phải dự bị ngay từ đầu và ban huấn luyện lại để chủ công này ra sân quá muộn nên không thể đảo ngược tình thế.
Gần như ở cả 3 ván đấu, nam Thái Lan là đội làm chủ thế trận. Đội nam Thái Lan tỏ ra quá vượt trội khi cặp chủ công Jirayu Raksakaew và Kittikun luôn đập bóng trên hàng chắn thành công. Khi 2 chủ công này cặp khó thì bóng lại chuyển tới Kitsada dứt điểm. Đây là 3 chủ công từng thi đấu tại giải VĐQG Việt Nam nhiều năm trước.
Bóng chuyền nam Việt Nam nhận HCB tại SEA Games 28. Ảnh: Dũng Phương
Những nỗ lực của các cầu thủ Việt Nam đáng ghi nhận, nhưng chúng ta vẫn chưa thể giành HCV trong kỳ vọng. Chung cuộc, Việt Nam thua Thái Lan 0-3 (20/25, 19/25, 23/25).
Nhưng có thể thấy, cầu thủ Việt Nam thi đấu trận chung kết khá căng cứng tâm lý. Phía bên kia, các tay đập Thái Lan lại tỏ ra rất thoải mái bởi dù các quả đập có điểm hay không họ đều luôn nở nụ cười. Thêm một điểm đáng để bóng chuyền Việt Nam phải lưu tâm đó là công tác chuẩn bị của ban huấn luyện. Đội nam Thái Lan có tới 4 thành viên trong ban huấn luyện (gồm cả HLV trưởng) cũng như có đầy đủ thiết bị kỹ thuật, giấy tờ ghi chép ngay tại chỗ. Thế nên, ngay khi đối phương bị lộ điểm yếu hay mạnh ở vị trí nào là lập tức ban huấn luyện Thái Lan cập nhật ngay rồi “mách nước” cho cầu thủ trong giờ nghỉ và hội ý kỹ thuật. Trong lúc đó, chúng ta chỉ có 2 HLV thực địa và sự điều phối chuyên môn chủ yếu bằng tay chân mà không có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cùng.
MINH CHIẾN