Để nhận được bảo hiểm, bác sĩ phải chuyển những bệnh nhân quá cân đến chuyên gia dinh dưỡng điều trị. Trước đây bảo hiểm y tế chỉ áp dụng cho đối tượng người lớn béo phì, từ 1-4-2020, trẻ em cũng được hỗ trợ chi trả nếu có chứng nhận của nhà dinh dưỡng. Bộ trưởng Y tế Bỉ Maggie De Block nêu lý do thông qua chính sách bảo hiểm y tế mới này: “Người trẻ bị quá cân ngày càng tăng, gây hậu quả cả về tâm lý lẫn thể chất. Cần thiết phải có hỗ trợ của chuyên gia để sớm ngăn chặn vấn đề cân nặng ảnh hưởng tuổi thọ”.
Cụ thể, hãng bảo hiểm y tế liên bang Riziv của Bỉ sẽ thanh toán chi phí theo 10 giai đoạn trong lộ trình 2 năm điều trị dinh dưỡng của một đứa trẻ bị quá cân ở độ tuổi 6-17. Chính sách đồng thanh toán này (co-pay) ấn định số tiền người được bảo hiểm phải trả cho nhà dinh dưỡng vào thời điểm dịch vụ được thực hiện là 5 EUR/30 phút điều trị và 10 EUR/giờ điều trị. Bảo hiểm cũng áp dụng cho trường hợp cha mẹ đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để nhận tư vấn biện pháp ăn kiêng cho con.
Ngoại trừ béo phì do bệnh lý nội tiết, về cơ bản nhận thức về dinh dưỡng từ Á đến Âu đang cần “sự trao đổi chất” cân bằng cho nhau. Vài năm trước đây, khi các mẹ nuôi con ở nước ngoài trong đó có tôi về Việt Nam chơi thường bị mắng: “Để con còi như thế này là vụng rồi”. Uống nhiều sữa vào. Lười ăn phải ép ăn. Tăng cường vitamin D đi. Cho ăn cốm canxi chưa? Trong khi Phạm Ngọc, thạc sĩ tốt nghiệp ngành y dược tại Bỉ mà tôi quen, lại kể: “Con tôi không hề bổ sung vitamin D giai đoạn từ khi mới sinh đến 2 tuổi. Cứ ăn uống đúng cách, vận động đúng kiểu là cách phát triển ổn định nhất. Đến giai đoạn dậy thì sức bật rất nhanh”. Ba con của cô nhỏ hơn bạn cùng lứa, nhưng rắn rỏi và tư duy rất nhanh nhạy.
Chúng tôi nuôi con theo hướng không ép con ăn nhiều để chóng to lớn. Nhưng mặt khác, thói quen ăn nhiều đồ ngọt, thậm chí quá ngọt, phải có bánh ngọt tráng miệng sau bữa tối vốn đã nặng đạm của người bản xứ chắc chắn kéo theo hệ lụy về răng miệng và thừa cân. Có thời gian nuôi con kiểu Tây - ta kết hợp sẽ cân bằng hơn. Chính Rian Van Schaik, Chủ tịch Hội Chuyên gia dinh dưỡng vùng Flanders (Bỉ), cũng khiêm tốn nói: “Chúng tôi chẳng lấy đi hay loại bỏ cái gì, chỉ giúp cha mẹ và con cái lựa chọn thức ăn tốt cho sức khỏe toàn diện hơn mà thôi”. Hiệp hội Người tiêu dùng vùng này cũng kêu gọi các quảng cáo ẩm thực (chủ yếu đồ ăn nhanh, chế biến sẵn) phải có trách nhiệm hơn với sức khỏe người dân. Cần tăng cường nhận thức cho trẻ về tác hại sức khỏe khi lạm dụng đồ ăn nhanh…
Không ít người châu Âu đi New York về kể: “Bánh mì kẹp thịt cao vượt mặt thực khách”. Biểu tượng ẩm thực Mỹ này được giới dinh dưỡng coi là thủ phạm đầu tiên gây ra bệnh tăng trọng lượng. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nếu không ngăn chặn kịp thời, bệnh béo phì sẽ trở thành đại dịch nguy hiểm của thiên niên kỷ mới.