Theo kết quả nghiên cứu của Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) và Hội Điều dưỡng Việt Nam năm 2015, cứ 4 điều dưỡng mới ra trường, chỉ có 1 điều dưỡng có cơ hội việc làm.
Sau đại dịch Covid-19, đội ngũ điều dưỡng có nhiều biến động, nhiều điều dưỡng có xu hướng nghỉ việc trong bệnh viện. Một trong những nguyên nhân là công sức lao động của điều dưỡng chưa được đãi ngộ tương xứng với nỗ lực của họ; nhiều sở y tế, bệnh viện chưa quan tâm, phát huy vai trò của điều dưỡng.
Bên cạnh đó, bản thân các điều dưỡng được giao trách nhiệm, quyền hạn nhưng cũng chưa phát huy được vai trò của mình; xã hội vẫn còn quan niệm điều dưỡng là “nghề phục vụ, thực hiện y lệnh của bác sĩ” khiến nhiều người trẻ không mặn mà theo nghề và gắn bó với nghề…
Thực tế, điều dưỡng đang phải làm nhiều việc khác ngoài chuyên môn như: lãnh thuốc, lãnh dụng cụ, đồ vải, đưa đón người bệnh đi khám, làm các thủ tục cận lâm sàng, hành chính, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế, xử lý dụng cụ đã sử dụng tại khoa… Trong khi, công tác đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập; chưa có điều dưỡng chuyên khoa và chuẩn thực hành điều dưỡng cho từng chuyên khoa; đầu tư ngân sách của nhà nước cho công tác điều dưỡng chưa được tính đúng, tính đủ…
Để điều dưỡng gắn chặt hơn với nghề, người trẻ càng thêm mặn mà với nghề điều dưỡng là điều đáng bàn. Đã đến lúc trao quyền chủ động nhiều hơn cho điều dưỡng, như: chẩn đoán điều dưỡng, phân cấp chăm sóc, phối kết hợp với các chức danh chuyên môn trong bệnh viện để triển khai hiệu quả hoạt động chăm sóc người bệnh; gắn trách nhiệm và sự tham gia của các khoa, phòng chức năng vào quá trình và chất lượng chăm sóc người bệnh. Bên cạnh đó, đổi mới vai trò, vị thế của điều dưỡng trong hành nghề, chuyển từ thụ động sang chủ động; đầu tư và phát triển công tác điều dưỡng bảo đảm thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân.