Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện được trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay 12-4, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá- Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị quy định rõ hơn về mô hình hoạt động thư viện mới - thư viện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
“Thường trực Ủy ban (TTUB) cho rằng loại hình thư viện này ngoài việc thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quy định của pháp luật khác có liên quan, dự thảo Luật cũng cần có những quy định đặc thù để điều chỉnh”, người đứng đầu cơ quan thẩm tra nhận định.
Một nội dung mới khác liên quan đến việc xây dựng thư viện số. TTUB đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số quy định mang tính cốt lõi, tạo hành lang pháp lý cần thiết để phát triển thư viện số, từ khái niệm (cần bao quát đủ các yếu tố cấu thành thư viện số như: dữ liệu, công nghệ, con người, sản phẩm - dịch vụ thư viện, phương thức hoạt động) cho đến bản quyền tài nguyên số (bổ sung quy định về quyền của các thư viện được tạo bản sao, số hóa và phổ biến tài liệu của thư viện phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan).
Về người đọc của thư viện số, cần nghiên cứu quy định những nguyên tắc điều chỉnh cơ bản liên quan đến người đọc và sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử.
Dự thảo Luật cũng cần có các quy định để thúc đẩy phát triển của thư viện số, như: vấn đề mua nguồn tin số và chia sẻ nguồn tin số giữa các thư viện công lập; sự phân công, phối hợp giữa các thư viện, cơ quan thông tin khoa học và công nghệ; vai trò và trách nhiệm của các thư viện trung tâm có vai trò quan trọng trong hình thành nguồn tài nguyên số quốc gia; nghiên cứu - đào tạo - đầu tư cho nguồn nhân lực thư viện số, đầu tư tài chính và phát triển các dự án thư viện số dùng chung để tiết kiệm ngân sách nhà nước…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì bày tỏ quan tâm đến vấn đề lưu trữ các tài liệu “cấm” và yêu cầu quy định rất rõ ràng, cụ thể các tiêu chí xác định tài liệu, sách “cấm”; loại thư viện nào được lưu trữ.
Bà Lê Thị Nga nói: “Nếu không cẩn thận thì thư viện rất dễ bị quy kết tàng trữ tài liệu xấu, độc; đó thậm chí là vấn đề hình sự”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng ý với quan điểm này và nêu ví dụ về nhiều cuốn sách trước đây bị cấm, nhưng hiện nay là “rất bình thường”, thậm chí có giá trị.