Thu về triệu đô từ hoa lan, cá cảnh xuất ngoại

Những năm gần đây, nông nghiệp đô thị ở TPHCM thay đổi rõ rệt, đặc biệt là chủ trương chuyển đổi từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang mô hình giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, các sản phẩm hoa lan và cá cảnh đã giúp nông dân có thu nhập khá.

Mô hình nuôi cá cảnh tại HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM) cho thu nhập tốt
Mô hình nuôi cá cảnh tại HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM) cho thu nhập tốt

Hoa lan bung sắc

Xuất phát từ thực tế hoa lan của nông dân trồng ra chỉ bán được ở mức 30.000 đồng/chậu, không mang lại thu nhập cao, lại không chủ động được nguồn giống, chị Liêu Thị Kim Phượng trăn trở và quyết định thành lập hợp tác xã (HTX) Vườn lan Việt (TP Thủ Đức) với 11 thành viên. Chị tự tin, phải “làm cái gì đó thật lạ” và mạnh dạn nói với nông dân rằng mình có thể bán hoa lan với giá 100.000 đồng/chậu, cao gấp 3 lần giá người dân thường bán. Thế là năm 2020, HTX Vườn lan Việt chính thức ra đời, nhằm phát triển ngành lan Dendro mạnh hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, giảm lượng giống nhập khẩu từ Thái Lan như trước đây.

Khát vọng là vậy nhưng lúc đầu chị Phượng vấp phải không ít phản đối từ phía gia đình, bạn bè. Rất cương quyết, chị lên đường sang Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm. Tính đến thời điểm hiện tại, chị đã lai tạo được hơn 200 mặt bông, đặc biệt là các dòng Dendro nắng, Dendro màu, Dendro chớp… Ngoài cách bán hàng truyền thống, HTX của chị Phượng còn đẩy mạnh bán hàng qua các kênh online, mở các dịch vụ cắm hoa theo yêu cầu, đa dạng mẫu mã để tiếp cận thị trường sâu hơn.

Những sản phẩm được HTX Vườn lan Việt bán qua nền tảng online chủ yếu là hoa lan giống và các chậu lan cắm sẵn. Nhờ thương mại điện tử, những sản phẩm cây giống của HTX đi khắp nơi trên cả nước, thậm chí có những sản phẩm đã bán sang Australia. HTX Nông nghiệp Vườn lan Việt có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2023, chị Phượng được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc; HTX Nông nghiệp Vườn lan Việt là một trong 63 HTX tiêu biểu của năm 2024.

Một mô hình trồng hoa lan thành công không kém là trang trại trồng hoa lan Mokara của ông Bùi Văn Cường ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Trang trại theo quy trình khép kín, được đầu tư 5 tỷ đồng, với khoảng 120.000 gốc lan cắt cành. Sau khi vay nguồn vốn ưu đãi thông qua huyện Củ Chi, ông Cường đầu tư vườn lan để cắt cành bán hàng ngày. Trung bình mỗi tháng, ông Cường cắt được khoảng 70.000 cành hoa lan (chủ yếu là lan Mokara đỏ, vàng chanh và tím), thu nhập khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí.

Cá cảnh “bơi” xa

Trong làng nuôi cá cảnh ở TPHCM, không ai không biết anh Lê Hữu Thiện (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), không chỉ giỏi nuôi cá cảnh mà anh còn là doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh chủ lực ở thành phố. Anh Thiện cho biết, bởi yêu thích những loài cá màu sắc, hình dáng lung linh, anh đã xuất ngoại học nghề nuôi và kinh doanh cá cảnh. Quãng năm 2008-2010, nghe quốc gia nào nổi tiếng về nuôi cá cảnh là anh tìm tới học nghề. Năm 2012, khi thấy đủ vốn kiến thức nuôi cá cảnh, anh Thiện mở cơ sở nuôi cá cảnh với 10 lao động. Đến năm 2013, anh Thiện thành lập Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức, với hơn 20 lao động thường xuyên.

Theo anh Thiện, nghề nuôi cá cảnh, dù phát triển đến đâu vẫn là nghề nông, phải xắn tay làm việc chứ không thể “ngồi bàn giấy”. Hiện trại nuôi cá cảnh của anh Thiện nổi tiếng với 3 loại cá cảnh, là cá dĩa, cá neon vua và sóc đầu đỏ; trong đó, cá dĩa và neon vua đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TPHCM. Đến nay, Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức đã xây dựng và phát triển thành hệ thống thương hiệu cá cảnh ở thị trường nhiều nước. Hàng năm, số lượng cá cảnh tại đây bán ra thị trường lên tới 2 triệu con, với hơn 50 loại cá.

HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn (trụ sở tại huyện Củ Chi) cũng là một cơ sở trứ danh trong ngành nuôi cá cảnh ở Nam bộ. HTX hiện có hơn 15ha nuôi cá cảnh các loại, trong đó chủ yếu có các dòng cá cảnh như: molly, hoàng lan, hồng kim, tỳ bà, bảy màu, hắc kỳ… Mỗi tháng HTX xuất khẩu khoảng 1 triệu con cá cảnh, mỗi năm thu về khoảng 5 triệu USD.

Bà Hoàng Thị Huế, lãnh đạo HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn, cho biết, cá cảnh là một ngành kinh tế rất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của TPHCM. Nguồn lợi kinh tế của ngành này khá đặc biệt, chủ yếu là xuất khẩu thu ngoại tệ.

HTX đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ, gắn kết thành viên như cung cấp vật tư và giống, hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá cảnh, nhập khẩu giống cá mới về thuần dưỡng và cung cấp cho các thành viên, tiêu thụ cá cảnh. Nhờ có nguồn cung lớn và đảm bảo chất lượng, thị trường của HTX ngày càng mở rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới như: Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, hiệu quả sản xuất sinh vật cảnh đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của nông nghiệp thành phố; không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu, mang về nguồn ngoại tệ đáng kể.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, TPHCM sẽ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, từng bước trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.

Theo thống kê của Sở TN-MT TPHCM, tổng diện tích nuôi cá cảnh toàn thành phố hiện khoảng 90ha, với gần 300 cơ sở và hộ nuôi. Hiện nay, nghề nuôi cá cảnh tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp…, trong đó 2 huyện Bình Chánh và Củ Chi chiếm khoảng 80% thị phần. Năm 2024, TPHCM có sản lượng cá cảnh gần 120 triệu con, xuất khẩu được gần 15 triệu con, giá trị hơn 13 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục