Thú uống trà ở phương Nam

Có lẽ, khi nói về thức uống đặc trưng ở TPHCM thì người ta sẽ nghĩ ngay đến cà phê và trà đá. Thú uống trà vốn là nét văn hóa đặc trưng của người miền Bắc, nhưng hiện nay, đã có nhiều người ở thành phố tìm đến thú uống trà, xem “chén trà là đầu câu chuyện”. 
Nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn mong muốn lan tỏa văn hóa trà Việt đến cộng đồng
Nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn mong muốn lan tỏa văn hóa trà Việt đến cộng đồng

1. Nằm trên đường D5 (phường 25, quận Bình Thạnh), ngôi nhà của anh Nguyễn Hiếu Tín trở nên đặc biệt hơn khi lưu giữ rất nhiều đồ vật liên quan đến lịch sử và văn hóa dân gian từ các vùng miền trên cả nước. Đặc biệt, mỗi lần ai đến nhà cũng được anh pha trà đón tiếp. Những chén trà vàng ươm sóng sánh, bao giờ cũng là sự khởi đầu cho những tâm tình. 

Anh Tín kể, quê anh ở An Giang, năm 2007, khi bắt đầu chơi thư pháp, anh có cơ duyên gặp kiến trúc sư Thanh Sơn cùng vợ là Ngọc Mỹ. Trong khi kiến trúc sư Thanh Sơn là người viết thư pháp nổi tiếng thì cô Ngọc Mỹ là chủ của một quán trà đạo nằm trên đường Bùi Viện (quận 1). Đây chính là một trong những quán trà đạo đầu tiên ở thành phố. “Khi đến quán trà của cô Ngọc Mỹ, ấn tượng ban đầu của tôi không phải vị trà mà là trà cụ (các dụng cụ dùng cho việc uống trà). Tôi say sưa ngắm trà cụ, thêm cả không gian ở đó cũng rất đặc biệt khiến tôi vô cùng thích thú”, anh Tín nhớ lại.

Trở về từ quán trà, anh Nguyễn Hiếu Tín mua liền mấy ấm trà vừa để chưng vừa bắt đầu tập uống. Ước mơ có một quán trà nho nhỏ để chơi trà cũng lóe lên trong anh lúc đó, nhưng phải đến năm 2009, ước mơ đó mới trở thành hiện thực. Anh mở “Trà quán ông đồ” ngay tại ngôi nhà đang ở, khách chủ yếu là bạn bè trong câu lạc bộ thư pháp, hay những người có đam mê sưu tập. Đến bây giờ, “Trà quán ông đồ” đã đóng cửa nhưng với Nguyễn Hiếu Tín, đó vẫn là một kỷ niệm đẹp. Bởi nhờ nó, anh có thêm nhiều người bạn tâm giao và đặc biệt là được hiểu về trà nhiều hơn. 

Nguyễn Hiếu Tín kể, khi bắt đầu uống trà, anh uống trà Ô Long, Thiết Quan Âm vì những loại trà này có vị nhẹ, hợp với người miền Nam. “Lần nọ, một người bạn ghé chơi và tặng trà Shan Tuyết. Lúc đó, tôi mới biết là Việt Nam có một loại trà đặc biệt như vậy, uống xong là ghiền luôn. Sau hôm đó, chuyển qua uống trà Việt đến bây giờ”, anh Tín chia sẻ.
 
2. Theo gia đình chuyển từ Hà Nội vào TPHCM hơn 20 năm trước, chị Phùng Phương Thanh (ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12) cũng là một “tín đồ” của trà. Là người miền Bắc, nhưng từ nhỏ, chị Thanh chưa có thói quen uống trà, mặc dù trong nhà lúc nào cũng có một ấm trà ủ sẵn. Chỉ đến khi vào Nam, nhất là hàng ngày thấy ba uống trà, từ việc pha trà, trò chuyện với ba, chị cũng mê uống trà lúc nào không hay. “Đến bây giờ, ba tôi đã ngoài 70, nhưng ngày nào cũng có một cữ trà vào buổi sáng. Ngoài là thói quen ra, tôi biết, ba mình còn uống trà vì nhớ quê hương nữa”, chị Thanh tâm sự.

Từ một người không biết uống trà, đến bây giờ, nhờ uống trà với ba mà chị Thanh đã có khối lượng kiến thức về trà khá phong phú. Chị cũng học được cách pha trà sao cho đảm bảo nhiệt độ của nước, uống đúng cách, chọn đúng phẩm của trà. Theo chị Thanh, trà là kháng sinh của đường ruột, mình sử dụng nó phù hợp với cơ địa, thời gian uống trà thì hiệu quả sẽ cao hơn. 

3. Nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn xuất thân trong gia đình có quán “chè chén” ở Hà Nội, bị gián đoạn từ năm 1987 khi cụ ngoại mất. Ông thừa hưởng trọn vẹn đam mê và truyền thống thưởng trà của gia đình và sau đó, với sự nỗ lực của mình, ông đã tìm hiểu cũng như đi thực địa ở các vùng trà trong nước lẫn nước ngoài. Giờ đây, ông dành thời gian để lan tỏa văn hóa trà Việt đến cộng đồng.

Theo chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn, ông và gia đình vào TPHCM từ năm 1992. “Thị trường miền Nam những năm 2000 có rất nhiều người bán trà Bắc, chỉ cần đi dọc đường Cộng Hòa sẽ thấy trà được bán rất nhiều. Tuy nhiên, đó là những thứ trà có chất lượng thấp, không ngon. Với mong muốn mọi người được uống trà ngon, tôi quyết định bán trà do đích thân mình tìm hiểu và mang vào. Ban đầu, tôi cũng bán nhiều loại trà của Trung Quốc; sau khi tìm hiểu, tôi nhận ra trà Việt cũng rất đa dạng và phong phú, từ đó, tôi chuyển qua bán trà Việt”, ông Tuấn cho biết. 

Ở miền Bắc, uống trà đã trở thành thói quen trong đời sống hàng ngày, nhất là những ngày trời lạnh, người ta mời nhau những chén trà nóng cho ấm bụng. Còn ở miền Nam, thời tiết quanh năm nắng nóng, việc uống trà có trở thành nghịch lý? Anh Nguyễn Hiếu Tín bảo, ban đầu anh cũng nghĩ là nghịch lý nhưng thực tế thì không phải vậy. Anh lý giải: “Có một sự thật là lúc mình khát giữa trưa nóng, mình nghĩ uống trà nóng sẽ khó chịu, nhưng sự thật là uống vào đã khát hơn uống trà đá rất nhiều. Nếu gặp trà ngon, hậu vị sẽ làm mình lưu luyến miết”.  

Cùng quan điểm, chị Phùng Phương Thanh cho rằng: “Nhờ uống trà mà mình uống được nước ấm vào cơ thể. Bản thân việc này đã rất tốt cho đường ruột. Chính ra uống nước đá mới làm cơ thể khô và mất nước nhiều hơn so với việc uống trà nóng. Nước trà nóng giúp thẩm thấu nhanh vào các tế bào, bù nước nhanh và giữ nước cũng tốt nữa”, chị Thanh nói thêm. 

Trong nhịp sống xô bồ và ồn ào, dù là độc ẩm hay ngồi với bạn bè, việc thưởng thức những ly trà nóng có lẽ là giây phút lắng đọng và cần thiết.

Tại TPHCM bây giờ, không khó để tìm ra những trà quán. Có thể kể đến An Viên trà (đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận), Kỳ trà các (đường Nhiêu Tứ, quận Phú Nhuận), Từ Tâm quán (đường Trần Hưng Đạo, quận 1), Hương trà Việt (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3)… 

Tin cùng chuyên mục