Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành.
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận về các dự án: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và khoáng sản; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện; xác định đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 24 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ tổ chức 2 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến đối với 14 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Công tác xây dựng, ban hành pháp luật ngày càng được thực hiện bài bản, khoa học, chuyên nghiệp, đổi mới và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vẫn còn nhiều vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế cần được tháo gỡ để khơi thông nguồn lực cho phát triển; đồng thời, cần có cơ chế, chính sách mới để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Thủ tướng đề nghị, cùng với xây dựng luật, các bộ, ngành cần tập trung xây dựng các nghị định, thông tư để cụ thể hóa các luật. Trong đó cần tập trung xây dựng các nghị định, thông tư cụ thể hóa các luật về đất đai, bất động sản, nhà ở, tín dụng... Phấn đấu hoàn thành trong tháng 5 để báo cáo cấp thẩm quyền, sớm triển khai thực hiện các luật.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trao đổi các vấn đề nội dung mới, còn "vướng", quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ..