Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thủ tướng chỉ ra một số xu thế nổi lên trong bối cảnh hiện nay có tác động, ảnh hưởng tới mọi quốc gia, mọi nền kinh tế như xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; kết nối giữa các nền kinh tế, nhất là kết nối hạ tầng, kết nối giao thông, kết nối số; phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Thủ tướng, muốn kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, sức mạnh bên trong và bên ngoài thì không thể đứng ngoài xu thế chung của thế giới. Thực tế cho thấy đất nước ta đang đi đúng hướng với các trọng tâm về thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng. Trong đó, chuyển đổi số, như chúng ta đã và đang làm, đã mang lại lợi ích rất rõ cho đất nước, cho người dân. Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết về chuyển đổi số nhằm hiệu triệu cả nước tập trung đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số.
Ngày 22-4-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10-10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia. Ngày chuyển đổi số quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Năm 2024, chuyển đổi số quốc gia có chủ đề: "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững". Đây là năm thứ 3 liên tiếp, chúng ta tổ chức chương trình chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia. Sự kiện quan trọng này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Chính phủ quyết tâm theo đuổi cuộc cách mạng chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và hiện đại hóa quản trị quốc gia, mang lại lợi ích cho mọi người dân và cho đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu làm tốt công tác chuyển đổi số, xếp hạng của Việt Nam về chuyển đổi số trên thế giới sẽ được tăng lên, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, qua đó thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư tốt nhất. "Chúng ta đi sau về chuyển đổi số nên phải có tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên", Thủ tướng nói và nêu rõ 3 đột phá trong chuyển đổi số là thể chế số, hạ tầng số và con người số.
Thủ tướng lưu ý chuyển đổi số đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, nhất là người đứng đầu của các cấp, các ngành; đồng thời không được để thiếu điện, thiếu sóng viễn thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất các định hướng chiến lược, quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong thời gian tới để trong thời gian ngắn mà chúng ta đi được quãng đường dài.
Tại chương trình, lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành đã tham gia tọa đàm về "Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm", với đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ số, đại diện tiêu biểu tổ công nghệ số cộng đồng của các tỉnh thành, đại diện lãnh đạo của các trường đại học có đào tạo về nguồn nhân lực công nghệ số.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi về chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số; hạ tầng số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đơn giản hóa các thủ tục, thao tác khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; giải pháp chống hành vi lừa đảo trực tuyến; chính sách đặc thù cho những đối tượng yếu thế, giúp họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số.
Các đại biểu cũng thảo luận về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị và các hoạt động xã hội; chính sách để thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi số; cơ chế chính sách để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân mở rộng kinh doanh, tăng thu nhập, lợi nhuận trên các sàn thương mại điện tử; giải pháp để các tổ chức chính trị xã hội tham gia sâu và hiệu quả hơn trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Theo Thủ tướng, chương trình này vừa để chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, vừa triển khai các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chuyển đổi số. "Công cuộc chuyển đổi số khó, nhưng không khó bằng những khó khăn, thử thách mà dân tộc ta đã vượt qua trong lịch sử", Thủ tướng nhận định.
Chuyển đổi số quốc gia tầm nhìn đến năm 2030 hướng tới Việt Nam trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành; chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, làm việc và học tập của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bao trùm, rộng khắp, "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định "mục tiêu kép": vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở trình độ cao; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mạnh, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thủ tướng đánh giá, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số đạt được nhiều kết quả tích cực, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước. Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế: Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.
Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước hình thành xã hội số, công dân số, nổi bật trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, chi trả an sinh xã hội, tư pháp… mới đây đã triển khai toàn quốc việc tích hợp sổ sức khỏe điện tử và cung cấp phiếu lý lịch tư pháp trong nền tảng VNeID.
Thủ tướng nêu rõ, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được; còn nhiều việc phải làm phía trước. “Chuyển đổi số quốc gia phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Phải nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế số là nâng cấp nền kinh tế số với những đột phá và cải cách mạnh mẽ, toàn diện, bao trùm hơn nữa để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên các lĩnh vực, từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, hướng tới một xã hội số phát triển…
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số: đột phá về thể chế số; đột phá về hạ tầng số; đột phá về nguồn nhân lực số với phương châm là "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh". Trong đó, về đột phá hạ tầng số, Thủ tướng yêu cầu sớm đưa 5G vào thương mại tại một số thành phố lớn. Thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư FDI để xây dựng các Trung tâm dữ liệu cho các ngành, lĩnh vực, vùng và khu vực; khẩn trương xây dựng và đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1 đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu, phấn đấu đưa toàn bộ các dịch vụ công lên các nền tảng số của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại, giảm tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.