Chiều 18-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 |
Tại hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có khảo sát để đánh giá tác động đổi mới SGK, phương pháp giảng dạy. Trong đó, đặc biệt cần đánh giá lại vấn đề dạy tích hợp ở THCS, vì giáo viên dạy tích hợp phải được đào tạo bài bản, không thể chỉ tập huấn là dạy được.
Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cũng đề nghị quan tâm đến đầu tư cho ngành khoa học cơ bản trước thực tế hiện nay có ít học sinh đăng ký vào những ngành học này. Nhà nước phải giảm học phí tăng học bổng cho học sinh theo học, nguy cơ của khoa học cơ bản sẽ giảm đi nhiều nếu không có chính sách thu hút phù hợp.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam |
Tại hội nghị, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cảnh báo, qua công tác bảo đảm an ninh quốc gia cho thấy, lợi dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục, đã có một nhóm người có quan điểm không phù hợp với quan điểm của Đảng, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh, sinh viên. Bộ Công an lưu ý về những phá hoại về an ninh trật tự trong không gian mạng, tác động đến học sinh, sinh viên, giáo viên. “Dù chỉ có 2,63% học sinh, sinh viên trong tổng số thanh niên phạm tội, nhưng con số này lại có xu hướng tăng”, Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, GD-ĐT tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện GD-Đ theo Nghị quyết 29 triển khai tích cực, bước đầu có hiệu quả.
Thủ tướng thẳng thắn nêu một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như việc thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông còn một số bất cập; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường, lớp dẫn đến tình trạng quá tải của các trường, sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định, làm gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10. Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu; tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu; vấn đề nhà vệ sinh trong các trường học vẫn còn bất cập.
Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học giữa các địa bàn; nhiều địa phương chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định; đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục mới. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Từ thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới GD-ĐT. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cần tiếp tục đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT, đảm bảo nghiêm túc, gọn nhẹ, giảm áp lực nhưng phải nâng cao chất lượng.
Thủ tướng cũng yêu cầu, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc biên soạn SGK điện tử, sách giáo tiếng dân tộc thiểu số, thử nghiệm và sử dụng sách chữ nổi cho người khiếm thị. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.
Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT nghiêm túc thực hiện kết luận của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó chú trọng bảo đảm điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; công tác cung ứng và giá thành SGK.
Trước thềm năm học mới 2023-2024, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những thành tựu của năm học vừa qua; đồng thời gửi lời chúc các cán bộ làm công tác quản lý, các thầy giáo, cô giáo luôn phát huy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề.
Thủ tướng mong muốn, các thầy, cô giáo, những người làm giáo dục khắc phục mọi khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.