Thủ tướng yêu cầu kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Các bộ: Công thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh, chủ động xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngày 2-11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký công điện số 1039/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các bộ: Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh thành về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.

Công điện nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân. Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì cùng với các bộ, cơ quan liên quan tích cực, chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước góp phần vào việc kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân, không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.

Tuy nhiên, vừa qua tại thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ảnh 1 Người dân tại TPHCM xếp hàng dài chờ đổ xăng sáng ngày 2-11. Ảnh: NGUYÊN KHANG

Để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.

Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối kinh doanh xăng dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Bộ Công thương chủ trì, khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu; các tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các quy định không hợp lý khác cần sửa đổi, bổ sung…; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Thủ tướng giao Bộ Công thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và các văn bản có liên quan; bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. 

Các bộ: Công thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh, chủ động xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh thành theo chức năng, nhiệm vụ được giao kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nghiên cứu giao Bộ Công thương là đầu mối quản lý thống nhất



Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 2-11 về những vấn đề bất cập trên thị trường xăng dầu hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo vấn đề này theo đúng lĩnh vực được phân công, Chính phủ đang rất sát sao việc này.

Đồng thời, Thủ tướng cho hay đã giao cho các bộ ngành liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, theo hướng giao Bộ Công thương là đầu mối quản lý thống nhất.

"Tất nhiên sẽ còn phải rà soát nhưng cơ bản sẽ nghiên cứu theo hướng một bộ quản lý duy nhất xăng dầu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục