Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, bên cạnh những thành tích đạt được, còn 6 khó khăn, vướng mắc lớn, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới. Trong đó, có công tác giải phóng mặt bằng; di dời hạ tầng kỹ thuật một số dự án còn chậm tiến độ, chưa đáp ứng yêu cầu; vật liệu xây dựng.
Với khu vực ĐBSCL và khu vực TPHCM, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ TN-MT tổ chức hội nghị tại tỉnh Bến Tre để giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu cho các dự án 6, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng và xác định nguyên nhân lúa chết tại khu vực thi công đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Về công tác tổ chức thi công 3 ca 4 kíp, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tăng cường vận động người dân, các chủ đầu tư, nhà thầu thương lượng, trao đổi với người dân để tổ chức thời gian thi công hợp lý, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Về thủ tục đầu tư các dự án theo phương thức PPP, các tỉnh thành được giao làm cơ quan có thẩm quyền chủ động, tích cực, sáng tạo phối hợp với Bộ KH-ĐT để tổ chức triển khai các dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Hải Phòng, TPHCM - Mộc Bài. Bộ KH-ĐT khẩn trương hướng dẫn các địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục.
Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo hơn nữa trong việc giải quyết khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu trong triển khai các dự án. Các bộ, ngành chủ động xử lý theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao, vượt thẩm quyền mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tránh đùn đẩy, né tránh.
Thủ tướng yêu cầu nỗ lực tổ chức thi công hoàn thành các dự án; đẩy nhanh tiến độ triển khai nhất là các đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Hòa Liên - Túy Loan, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Tuyên Quang - Hà Giang để bảo đảm hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng chương trình thi đua 500 ngày nỗ lực cố gắng hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIV.
Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ KH-ĐT thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Dầu Giây - Tân Phú, phê duyệt trong tháng 6; chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan hướng dẫn, làm việc, theo dõi, đôn đốc các tỉnh, thành: Hà Nội, Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Dương, Hòa Bình, Ninh Bình, Tiền Giang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để bảo đảm khởi công các dự án theo tiến độ được giao.
Bộ KH-ĐT khẩn trương tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP; dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hòa Lạc - Hòa Bình; có ý kiến theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án TPHCM - Mộc Bài trong tháng 6.
Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; phấn đấu khởi công trong năm 2024 (riêng dự án Cao Lãnh - An Hữu đoạn qua tỉnh Tiền Giang khởi công vào tháng 7).
Thủ tướng chỉ đạo sớm khởi công các dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Dự án thành phần 3 Vành đai 4 Hà Nội. TPHCM và Hà Nội căn cứ trên kết quả làm việc với Bộ Tài chính để chủ động triển khai các công việc, nhằm sớm hoàn thành các thủ tục giải ngân vốn ODA cho các dự án đường sắt đô thị.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đoạn TPHCM - Long Thành, trình phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 11.
Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến các khoản vay ODA cho các dự án đường sắt đô thị, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Mỹ An - Cao Lãnh; xem xét sửa đổi các Nghị định để tháo gỡ, đẩy nhanh triển khai các thủ tục liên quan đến vốn vay ODA, bảo đảm tính tổng thể.
Thành phố Hà Nội và TPHCM chủ động, quyết liệt, tích cực triển khai để đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên đúng tiến độ.