(SGGP).- Trong mấy ngày qua, báo chí liên tục đưa tin về vụ việc phá rừng tự nhiên pơ mu tại tiểu khu 351 thuộc khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 21-7, thông tin từ Cục Hải quan Quảng Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Nam đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Trung Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang (tỉnh Quảng Nam); đồng thời yêu cầu ông Lê Trung Thịnh giải trình, kiểm điểm vụ việc, báo cáo các cấp lãnh đạo.
Trước đó, nhận được tin báo của quần chúng, ngày 8-7, Công an huyện Nam Giang phối hợp cùng Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung tiến hành kiểm tra tại khu vực biên giới gần cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) - Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào). Tại đây lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 280 phách gỗ pơ mu với tổng khối lượng 28m³ được tập kết gần cột mốc biên giới 717, cách Trạm Biên phòng cửa khẩu Nam Giang khoảng 500m.
Xác định đây là vụ phá rừng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, ngày 14-7, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Nam Giang đã có cuộc họp khẩn với các cơ quan chức năng để bàn kế hoạch nhanh chóng giải quyết vụ việc. Ngay trong ngày 14-7, Công an huyện Nam Giang tổ chức đoàn khám nghiệm hiện trường ở khoảnh 10, Tiểu khu 351 và phát hiện 60 gốc cây pơ mu bị chặt hạ. Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện gỗ khai thác trái phép được cất giấu ở nhiều nơi quanh khu vực cửa khẩu Nam Giang.
Đến ngày 16-7, lực lượng chức năng phát hiện ngay tại Trạm Hải quan cửa khẩu Nam Giang có điểm tập kết gỗ, thu giữ 97 phách gỗ pơ mu và 4 bi gỗ tròn, tổng khối lượng khoảng 6,245m³. Theo thống kê, từ khi triển khai điều tra vụ án phá rừng pơ mu đến nay, Công an huyện Nam Giang đã tạm giữ 591 phách gỗ pơ mu, 8 bi gỗ pơ mu, 3 phách gỗ dổi với tổng khối lượng gần 45m³.
LÂM NGUYÊN
Không có vùng cấm trong điều tra, xử lý
Trước bức xúc của dư luận về vụ phá rừng pơ mu, chiều 21-7, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xoay quanh công tác chỉ đạo xử lý vụ việc này.
Số gỗ pơ mu xẻ phách cất giữ trong rừng bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
- Phóng viên: Thưa ông, sau khi dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra thực tế tại hiện trường, ông đánh giá vụ phá rừng pơ mu này như thế nào?
>> Ông LÊ TRÍ THANH: Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng bởi các lý do: Thứ nhất, đây là loại gỗ quý hiếm (nhóm 2A); khối lượng gỗ chặt rất lớn, đến 60 cây gỗ pơ mu có tuổi đời cả trăm năm, với khối lượng hơn 44,3m3. Thứ hai, khu vực rừng pơ mu bị chặt phá là vùng cấm về quản lý của quốc phòng, do Biên phòng quản lý trực tiếp về biên giới mà “lâm tặc” ngang nhiên chặt hàng loạt rồi vận chuyển ra bên ngoài bìa rừng là nơi có nhiều lực lượng chức năng đóng quân ở trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Đắc Ôốc. Bọn “lâm tặc” có vẻ rất là ngang nhiên và “tự tin”.
- UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo xử lý vụ việc này như thế nào?
Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt, tập trung truy xét nhanh để làm rõ, không bỏ sót tội phạm trong vụ việc này.
- Khu vực phá rừng và tập kết gỗ pơ mu là khu vực biên giới. Vậy, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này?
Quy chế quản lý khu vực biên giới quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng. Đó là chưa nói phát hiện những địa điểm tập kết, giấu gỗ là gần sát Trạm Biên phòng cửa khẩu thì trách nhiệm của Biên phòng càng lớn hơn.
Việc vi phạm pháp luật trắng trợn, rõ ràng như thế là phải xử lý nghiêm. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là không có vùng cấm nào cả. Ngay trong chiều 21-7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã ký văn bản chỉ đạo tất cả các ngành, các đơn vị của tỉnh có liên quan phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong khi chờ kết quả điều tra.
- Xin cảm ơn ông!
NGUYÊN KHÔI
>> Tạm đình chỉ công tác Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, Quảng Nam