Thủ tướng yêu cầu có các biện pháp cần thiết, phù hợp để bảo vệ an toàn cho phóng viên, người tố giác tội phạm và những người liên quan. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội báo cáo kết quả điều tra, xử lý các đội tượng, tổ chức, cá nhân vi phạm trong vụ bảo kê ở chợ Long Biên lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-12-2018.
Cuối tháng 9 vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam và một số cơ quan báo chí đã phát phóng sự về tình trạng "bảo kê" tại chợ Long Biên. Theo đó, để có một chỗ đỗ xe vận chuyển hàng hoá, tiểu thương phải nộp khoảng 250.000 đồng/lượt/xe. Có người cho biết đã đóng theo năm với số tiền chừng 100 triệu đồng.
Trước sự việc trên, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã giao Công an thành phố chủ trì cùng công an quận Ba Đình khẩn trương điều tra làm rõ sự việc.
Ngày 30-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại chợ Long Biên.
Ngày 3-12, nhiều báo chí thông tin về việc nhóm phóng viên điều tra vụ bảo kê ở chợ Long Biên nhận được tin nhắn qua điện thoại đe dọa giết cả gia đình.
Theo chia sẻ của một trong số phóng viên điều tra vụ bảo kê ở chợ Long Biên, sau khi vụ việc xảy ra, những đối tượng bảo kê cũ ở chợ Long Biên vẫn ngang nhiên hoạt động. Tuy có khôn khéo, kín đáo hơn nhưng lại gây áp lực hơn trước nhiều…
Thậm chí, các đối tượng bảo kê bắt đầu có dấu hiệu trả thù những tiểu thương bị nghi ngờ đã cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho nhà báo ghi âm ghi hình. Những tiểu thương bị nghi ngờ giúp đỡ nhà báo đều sợ hãi, coi như không hề quen biết phóng viên.
Có tiểu thương cho biết, khi chưa có điều tra, xe hàng được đưa vào sát quầy và bị thu 350.000 đồng, còn bây giờ phải tập kết ngoài bãi cạnh chợ, và vẫn bị thu 400.000 đồng, khiến tiểu thương còn khốn khổ hơn.
Nhiều tiểu thương lo lắng nếu lộ ra là người giúp phóng viên điều tra thì “không sống nổi”.