Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc triển khai Đề án 06 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong thời gian qua; đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ, cách đây 1 năm, trong quá trình triển khai Đề án 06, chúng ta đã nhận diện nhiều khó khăn, thách thức và "điểm nghẽn" cần phải tập trung tháo gỡ ngay, liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn nhân lực... Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ, đồng thời ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng, viễn thông.... Mục đích là để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trên môi trường điện tử; phòng ngừa hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới.
Hội nghị lần này tập trung sơ kết 1 năm triển khai tháo gỡ các "điểm nghẽn" của Đề án 06, với mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch; hình thành hệ sinh thái công dân số và cung cấp nhiều tiện ích cho người dân; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phòng chống tiêu cực, gian lận thương mại và thất thoát thuế.
Thủ tướng yêu cầu phân tích rõ các bất cập thì mới xây dựng được giải pháp để hóa giải khó khăn, thách thức, từ đó chuyển đổi trạng thái nhanh hơn (như về thể chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng số, phát triển nhân lực số, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin...).
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo kết quả 1 năm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng giải quyết các "điểm nghẽn" về Đề án 06 cho biết, 55/63 địa phương đã tham mưu với tỉnh ủy/thành ủy ban hành chỉ thị đẩy mạnh triển khai Đề án 06; nhiều địa phương có các cách làm hay, sáng tạo như Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, TPHCM, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Khánh Hòa, Nghệ An…
Kết quả, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế được chú trọng. Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính được giao (đạt 70%), trong đó, có 7/19 bộ, ngành đã thực hiện 100% phương án đơn giản hóa.
Tính đến hết tháng 4, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.510 dịch vụ công trực tuyến (chiếm 71,7% trong tổng số 6.287 thủ tục hành chính). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở địa phương đạt 47,8%; ở bộ, ngành đạt 49,4%.
Đến nay, có 15/22 bộ, ngành đã hoàn thành công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong đó, riêng việc cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 đã giúp hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng.
Đối với 2 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” triển khai chính thức trên toàn quốc từ ngày 10-7-2023, giúp cắt giảm từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc, người dân chỉ khai thông tin 1 lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính.
Bộ Công an, đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip và thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,68%)…
Tuy nhiên, báo cáo chỉ rõ vẫn còn tồn tại, hạn chế với 6 điểm nghẽn. Trong đó, có vấn đề về pháp lý. Việc rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa TTHC còn chậm so với yêu cầu, vẫn còn 317/1.084 TTHC cần tiếp tục sửa đổi, đơn giản hóa…
Điểm nghẽn tiếp theo là về dịch vụ công trực tuyến; còn 6 bộ, ngành chưa hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với 6 TTHC, khiến người dân, doanh nghiệp không được thụ hưởng các tiện ích trên môi trường điện tử, không được thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử mà phải thực hiện bằng phương thức truyền thống.
Cùng với đó là điểm về dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn hạn chế. Tỷ lệ số hóa, tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn thấp (tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa của bộ ngành chỉ đạt 1,13%, của địa phương chỉ đạt 10,35%). Qua thống kê trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, mới chỉ có Bộ Công an, Bộ VH-TT-DL khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu đã số hoá để cắt giảm, đơn giản hoá TTHC. Các bộ, ngành còn lại vẫn chưa thực hiện. Người dân vẫn phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp trong khi dữ liệu đất đai đã được số hóa trên môi trường điện tử. Điều này khiến đến năm 2025 sẽ không hoàn thành mục tiêu 50% thủ tục hành chính liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm.
Điểm nghẽn nữa là về an ninh, an toàn bảo mật, còn 21/100 hệ thống thông tin chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng (tương đương 21%). Điều đó dẫn đến nguy cơ chưa thể kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dẫn đến chưa cắt giảm, tối ưu quy trình nội bộ của các đơn vị, hệ thống bị tấn công, dữ liệu bị lộ lọt ảnh hưởng đến người dân và cơ quan quản lý nhà nước...