Chiều 26-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh.
Tại đây, Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh; chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối liên hoàn trong nội tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số.
Đáng chú ý, tại cuộc làm việc, tỉnh Hòa Bình kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất như: cho phép tỉnh lập hồ sơ 2 di chỉ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (huyện Lạc Sơn) là di chỉ quốc gia đặc biệt; lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nền Văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới đại diện cho nhân loại; hỗ trợ kinh phí cho tỉnh xây dựng không gian Văn hóa Hòa Bình… Về kiến nghị này, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2023 phải lập xong hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nền Văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới đại diện cho nhân loại.
Trước đó, sáng 26-2, tại TP Hoà Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình, địa phương đầu tiên tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong năm 2023, với chủ đề "Hoà Bình - điểm đến đầu tư bền vững".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư tại Hòa Bình. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Tại hội nghị, tỉnh Hòa Bình đã lựa chọn, trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 nhà đầu tư đại diện thực hiện 16 dự án vào tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 49.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD). Đây là lượng vốn đầu tư lớn đối với địa phương, là tín hiệu tốt đối với kinh tế - xã hội của tỉnh, cả khu vực và cả nước.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Vì vậy, chúng ta cần tập trung thu hút nguồn lực đầu tư rất lớn.
Thủ tướng yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các yếu tố cơ sở hạ tầng cần thiết (như hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực…) gắn với hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nắm bắt cơ hội, đón các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn đa quốc gia làm ăn lâu dài, hiệu quả, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên.
Thủ tướng đề nghị huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác, theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư. Với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn đồng hành, sát cánh, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ các khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc. Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm, lựa chọn Việt Nam nói chung là điểm đến đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững.
Cùng ngày, tại Hòa Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). Thủ tướng đề nghị dự án kéo dài trong 5 năm có khả năng dẫn tới đội vốn, lãng phí, nên cần nghiên cứu lại tiến độ thi công, phấn đấu triển khai trong 3 năm, nỗ lực tiết kiệm khoản 300 tỷ đồng kinh phí dự phòng.
Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Bộ GTVT bảo đảm các dự án cao tốc đúng chuẩn cao tốc, không làm nửa vời gây lãng phí và nguy cơ ách tắc, nguy hiểm cho các đối tượng tham gia giao thông. Tinh thần là quy hoạch các tuyến cao tốc toàn diện, tổng thể, liên thông, tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, chiến lược; đầu tư có thể phân kỳ nhưng bố trí, tập trung nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, làm đoạn nào dứt điểm đoạn đó, tránh tình trạng vừa làm xong đã phải nâng cấp, sửa chữa, mở rộng, lãng phí công sức, chi phí, thủ tục.