Thủ tướng: Xử lý nghiêm vi phạm về lãng phí với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”

Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội (ĐB). Trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng đã có báo cáo giải trình thêm về một số vấn đề ĐB quan tâm.

Phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%

Về cập nhật tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh, trong tháng 10, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, vượt trội hơn tháng 9; tính chung 10 tháng kết quả đạt được tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Chính phủ đã báo cáo và đề xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi; chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng yếu kém. Trên cơ sở những kết quả tích cực của 10 tháng, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%.

Qua đó đảm bảo đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024, tạo lực, tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2025, cả giai đoạn 2021 - 2025, làm tiền đề, cơ sở để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh và thịnh vượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn, chiều 12-11.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn, chiều 12-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Về giải ngân đầu tư công, Thủ tướng nêu, dù đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm nhưng giải ngân còn chậm; 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch.

Tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng nêu rõ công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết của mình và các ĐB đã nêu. Về nguyên nhân, có tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến lãng phí nguồn lực.

Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số dự án còn chưa nghiêm; sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục. Thủ tục hành chính còn rườm rà. Việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…

Nêu rõ các nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật; tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên; tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém; đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội. Cùng với đó, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.

Chính phủ đã và đang đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Về bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài, Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12%-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao.

Tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng; rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý và bảo đảm định giá đúng, đủ, hợp lý để khuyến khích phát triển các nguồn điện; đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.

Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi; đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.

2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn, chiều 12-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng cũng báo cáo về kết quả thúc đẩy chuyển đổi số; về phát triển và ứng dụng KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; về bảo đảm mức sinh thay thế, quy hoạch đất đai; về rà soát, hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trong đó, về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng cho rằng còn chưa đạt mục tiêu đề ra. Khoảng cách lớn về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; hạn chế về nguồn lực, trình độ và năng lực cạnh tranh về KHCN. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những cơ hội thuận lợi của “người đi sau” (có điều kiện nghiên cứu, phát triển, ứng dụng ngay những công nghệ, giải pháp mới, tốt nhất); nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động, sáng tạo…

Thủ tướng nhấn mạnh sẽ bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho GD-ĐT; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tin cùng chuyên mục