Các ý kiến tại phiên họp đều cho rằng, tuy GDMN có nhiều thành quả nhưng hiện nay vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học. Trước nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới, giáo dục mầm non cần được đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Trong đó, mục tiêu là tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi; đổi mới nội dung chương trình giáo dục mầm non; đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực và các điều kiện để thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, GD-ĐT được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân; với quan điểm xuyên suốt con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; nguồn vốn quý nhất, yếu tố quyết định là con người.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã định hướng cần tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Mới đây nhất, Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có đề ra mục tiêu đến năm 2030 "hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi".
Thủ tướng nhấn mạnh, GDMN có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. GDMN là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển của con người. Xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời.
Thủ tướng cho rằng, để xử lý, giải quyết 3 điểm nghẽn, hạn chế của GDMN (về nhân lực; về cơ sở vật chất; tiếp cận chưa bình đẳng về GDMN- nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…), cần rà soát, có cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực cho GDMN, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng. Bên cạnh đó là vấn đề xã hội hóa, kêu gọi sự đóng góp của người dân; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong GDMN, trong đó có vấn đề biên chế giáo viên…
Với tinh thần đó, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp về đổi mới, phát triển GDMN.
Như đã đưa tin, tại phiên họp lần này, Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi; kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình GDMN.