Chiều 14-6, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng.
Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong thời gian vừa qua, với việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Thủ tướng nêu rõ, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển, không ngừng nỗ lực để tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức của thời đại số.
Thủ tướng cho biết, vừa qua, chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ rệt, với gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trong đó thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Cùng với đó, đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ phải tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì diễn đàn cùng Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; trong đó cần ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng...
Tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh. Xây dựng lộ trình, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững, phù hợp với xu thế của thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.
Song song đó, rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo hướng không ưu đãi theo diện rộng, dàn trải đến các phân ngành công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực được xác định theo tiêu chí phù hợp cho từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Việt Nam năm 2045) theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp...