Chiều 3-7, tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, một số địa phương, bộ ngành đã triển khai quy hoạch báo chí của mình và có quyết định phê duyệt quy hoạch báo chí. Vừa qua, bộ cũng đã quyết liệt phối hợp với các địa phương kiểm tra chấn chỉnh các văn phòng đại diện, thường trú cơ quan báo tại một số nơi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình phát hiện 1 số sai phạm yêu cầu báo cáo và có biện pháp xử lý. Hiện có một số địa bàn phóng viên báo chí vào rất nhiều, như vừa rồi chúng tôi có làm việc với Cần Thơ có hơn 1.000 phóng viên vào đây”, Bộ trưởng thông tin.
Vẫn theo Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn, sẽ kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí. “Các đồng chí biết mới đây đã nhất thu thẻ nhà báo Lê Duy Phong, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Tới đây sẽ phối hợp với Bộ Công an tiếp tục xem xét xử lý một số phóng viên liên quan trong vụ này”, Bộ trưởng cho hay. Hiện nay có hiện tượng các phóng viên liên kết với nhau thành 1 số nhóm đánh doanh nghiệp, lợi dụng để “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.
“Sáng đăng bài, trưa bắt đầu mời đi nhậu gặp gỡ người ta nhận phong bì, chiều về gỡ bài. Cứ như thế có tình trạng sáng đăng, trưa gặp chiều gỡ rồi thành lập những nhóm đánh hội đồng”, Bộ trưởng TT-TT thông tin.
Bộ trưởng Tuấn đề nghị các cơ quan chủ quản nêu cao trách nhiệm của mình, nhất là các ngành, hiệp hội; hầu như cơ quan chủ quản đứng ngoài, đổ trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ TT-TT báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ rõ các tiêu cực của báo chí như sáng đăng chiều gỡ, rủ nhau đánh hội đồng doanh nghiệp và đề nghị phải tăng cường quản lý Nhà nước đối với báo chí. Phải xử lý nghiêm các Tổng biên tập, phóng viên sai phạm. Điển hình là vụ nhà báo bị công an Yên Bái khởi tố.
“Vụ ở Yên Bái có 2 việc. Thứ nhất, cán bộ sai thì phải điều tra, thanh tra, kết luận, xử lý. Tôi nhắc Tổng Thanh tra Chính phủ phải kết luận cho được vụ Giám đốc Sở ở Yên Bái, không để dư luận xấu như thế, như vậy rất xấu cho đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước. Thứ hai, báo tiêu cực, tham nhũng, hối lộ như vậy phải xử lý. Cái này phải rõ ràng. Cán bộ sai thì thanh tra, xử nghiêm nhưng báo chí mà tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ như vậy thì cũng phải xử lý thật nghiêm”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu nhân dịp này phải chấn chỉnh một bước, không để tình trạng này. “Tôi đề nghị các đồng chí, các thủ trưởng cơ quan ngồi đây đều có báo, báo điện tử, báo giấy, tạp chí, phải chấn chỉnh lại tình trạng này. Vô cùng nguy hiểm. Không thể chấp nhận tình trạng báo chí rủ rau đi cả mấy xe ô tô về cơ sở để tiêu cực. Bộ Công an cũng đã có báo cáo, phải phối hợp, điều tra, xử lý, chấn chính tình trạng này”, Thủ tướng liên tục nhắc.
Trước đó, ngày 26-6, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Lê Duy Phong (SN 1985, quê quán Tĩnh Gia, Thanh Hóa, thường trú tại phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội - Trưởng ban bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam) để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ông Lê Duy Phong bị bắt vì bị bắt quả tang nhận 50 triệu đồng của doanh nghiệp ở Yên Bái. Công an cũng đang xem xét dấu hiệu đưa hối lộ nhà báo 200 triệu đồng của ông Vũ Xuân Sáng (Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Yên Bái).
Cụ thể, ngày 16-6, Lê Duy Phong tới tỉnh Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng nêu một số vi phạm của Sở Kế hoạch Đầu tư, yêu cầu đưa 200 triệu đồng để giải quyết vụ việc. Trong ngày, ông Sáng đã chuyển số tiền như yêu cầu cho Phong. Ngày 22-6, vẫn tại Yên Bái, Lê Duy Phong bị Công an thành phố bắt quả tang nhận 50 triệu đồng từ một doanh nghiệp trong nhà hàng. Trước đó, ông Lê Duy Phong trực tiếp tìm hiểu, viết bài phản ánh tình hình quản lý, sử dụng đất đai ở tỉnh Yên Bái, trong đó đề cập đến biệt phủ của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái. Hai bài quan trọng nhất trong tuyến bài này đã được đăng.