Trưa 20-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Tại sao tư nhân thì làm nhanh, đầu tư công thì chậm?
“Hai vụ, hai bộ cách nhau chỉ một bức tường thôi, chỉ cần một cú điện thoại là mọi việc được giải quyết; còn nếu cứ chờ đường công văn giấy tờ thì mất mấy tháng. Tư nhân họ không làm như vậy”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng phải triệt để sửa đổi những quy định về luật đầu tư công, không để giải ngân ách tắc, làm chậm sự phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, tổng đầu tư xây dựng chiếm 70%-80% tổng đầu tư xã hội, chiếm tỷ trọng 30%-35% GDP của nền kinh tế, nếu quản lý chặt chẽ thì đất nước sẽ phát triển bền vững. Phó Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, không thất thoát nguồn vốn Nhà nước. Với vốn tư nhân phải bảo đảm tạo điều kiện thông thoáng để khuyến khích các nhà đầu tư.
Đấu giá đất công công khai, minh bạch, thậm chí lên sàn
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vốn đầu tư xây dựng chiếm 32%-35% GDP nên nếu không khai thông thì không thể phát triển được. Nơi nào mà công trường hoạt động, cần cẩu hoạt động thì nơi đó mới phát triển được, còn nếu nằm im ỉm thì không thể khát triển. Vì thế, khắc phục bất cập, hạn chế trong đầu tư công, thúc đẩy phát triển đầu tư xây dựng là trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương.
Thủ tướng chỉ rõ bảo đảm điều kiện cho vốn tư nhân phát triển thông qua thông thoáng về thủ tục. Còn đối với vốn nhà nước, phải quản lý chặt để bảo đảm không có thất thoát, tham nhũng. “Tại sao sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư chỉ làm vài năm là xong? Điều này phải suy nghĩ. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư làm trên cơ sở phải tuân thủ quy định pháp luật”, Thủ tướng yêu cầu giải phóng sức sản xuất, tháo gỡ thể chế cho phát triển.
Theo Thủ tướng, tháo gỡ thể chế trong đầu tư xây dựng phải cả từ 2 phía: Chính phủ có thể sửa gì thì phải sửa ngay, còn những gì liên quan đến luật thì nghiên cứu để trình Quốc hội, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhân dân. Đồng thời với đó tăng cường tính kỷ luật hành chính, không được đùn đẩy, né tránh, ngâm hồ sơ. “Dự án đô thị, bất động sản, trung tâm thương mại là ngâm rất lâu. Phải quy định rõ thời gian giải quyết hồ sơ, ai ngâm phải xử lý”, Thủ tướng nói. Dĩ nhiên, nhanh nhưng không được ẩu, trái pháp luật, ví dụ công trình phải tuyệt đối an toàn, phòng cháy chữa cháy tốt.
Để không làm mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu thiết lập cơ chế một đầu mối để giải quyết. Thực hiện công khai, minh bạch để khắc phục tình trạng phải bôi trơn trong đầu tư xây dựng.
Trước đó, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng và một số đại biểu kiến nghị: Mọi giao dịch liên quan đến đất công đều phải thông qua đấu thầu, không được chỉ định thầu để tránh thất thoát. Về điều này, Thủ tướng chỉ rõ, từ nay đất đai phải được đấu giá công khai với hình thức phù hợp.
“Đất phải là đất sạch, đất mà giao chủ đầu tư thì thất thoát rất lớn. Vì vậy, phải tiến hành đấu giá công khai, không để chọn nhà thầu tùy tiện, tham nhũng, lợi ích, tạo điều kiện cho xin-cho. Tại hội nghị này, tôi quán triệt đến nơi đến chốn điều này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ, quản lý đất đai không được để trăm hoa đua nở, phải bảo đảm không thất thoát. Phải đấu giá công khai, minh bạch, thậm chí lên sàn như đã làm vừa qua khi thoái vốn Sabeco, Vinamilk... để tránh thất thoát. Đất đai là nguồn lực nhà nước, vì vậy không được để thất thoát.
Theo Thủ tướng, cùng với rà soát thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục không cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân thì phải làm mạnh khâu hiệu kiểm, không để cháy nổ, mất an toàn trong các công trình.
Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính tiến hành làm thử 1km-2km đường mẫu để xác định định mức, đơn giá xây dựng chuẩn. “Tại sao đường các nước họ làm đẹp mà rẻ như vậy, còn chúng ta làm vừa đắt vừa xấu”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng nhằm thu hút đầu tư xã hội mạnh mẽ để phát triển đất nước.