Ngày 2-2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1-2018.
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ nghe, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung gồm báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2018 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 và một số dự thảo luật; dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện; dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; một số cơ chế, chính sách đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông...
Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mở đầu năm mới tốt hơn cùng kỳ năm 2017 với ấn tượng mạnh mẽ về một số chỉ tiêu, nhất là những trung tâm kinh tế lớn.
Thủ tướng nhắc lại bài học kinh nghiệm cũng như thành công của Đội tuyển U23 Việt Nam là ý chí kiên cường, quyết tâm cao và tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, và cho rằng, điều này không chỉ cho bóng đá mà cho cả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, mỗi bộ ngành, địa phương.
Thủ tướng cũng cho rằng, cùng với kết quả năm 2017, được quyết định trong 2 quý cuối năm, khi kết thúc quý I-2017, sụt giảm nghiêm trọng các chỉ tiêu, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ, đồng bộ hơn, trách nhiệm cụ thể hơn, chúng ta đã đạt kết quả bứt phá. Đây là bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành năm 2018 và những năm tiếp theo.
Trong tháng 1-2018, tình hình kinh tế-xã hội có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,9%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đây là những động lực cho tăng trưởng GDP. Khách du lịch quốc tế tăng đến 42%, đạt trên 1,4 triệu lượt người. Doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao, trong đó có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới (cùng kỳ có gần 9.000 doanh nghiệp), và có thêm trên 4.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Dự trữ ngoại hối tăng lên gần 57 tỷ USD. Văn hóa, xã hội, được đặc biệt quan tâm thời gian qua, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng thiên tai…
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, xuất nhập khẩu/GDP đến 190% nên mọi sự biến động của toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, nhất là những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… Do đó, không thể lơ là, chủ quan, thỏa mãn với kết quả của tháng 1-2018. Tinh thần của U23, tinh thần và cách làm như những tháng cuối năm 2017 phải được thể hiện trong quý đầu năm 2018.
Thủ tướng lưu ý giá tiêu dùng tháng 1-2018 tăng 0,51%, là mức tăng cao so với cùng kỳ, đặt ra đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa trong điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế để bảo đảm CPI tăng dưới 4% như mục tiêu đặt ra trong năm nay. Tháng 2 là tháng có Tết nguyên đán, vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt những trung tâm lớn trước mắt chưa tăng các loại giá, phí có liên quan. Phải quản lý tốt giá cả tiêu dùng với giải pháp cụ thể, căn cơ hơn.
“Cần thảo luận về việc sau Tết sẽ diễn ra các lễ hội ở địa phương, quản lý Nhà nước làm sao cho tốt không để tình trạng lộn xộn, gây dư luận bất bình, nhất là tình trạng lãng phí, chấm dứt tình trạng sử dụng xe công đi lễ hội”, Thủ tướng nhắc.
“Chính phủ, các bộ, ngành xác định xây dựng thể chế chính sách là ưu tiên hàng đầu để tạo đột phá cho huy động nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho phát triển trong năm 2018 và những năm tiếp theo”, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ bàn 9-10 hội nghị chuyên đề lớn, có tính chất quốc gia để lắng nghe, tháo gỡ, xử lý vấn đề tốt hơn, đồng bộ hơn.