Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tập thể lãnh đạo, giảng viên và người lao động của Học viện Hành chính Quốc gia (Học viện) qua các thời kỳ.
Thủ tướng nhấn mạnh, 60 năm qua, tập thể lãnh đạo, giảng viên, người lao động của Học viện đã nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng để xây dựng Học viện ngày một lớn mạnh, đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức trong cả nước, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Các kết quả nghiên cứu khoa học về hành chính, quản lý nhà nước đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, giúp Đảng, Nhà nước xây dựng và ban hành thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Học viện trong thời gian qua đã tích cực sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản đội ngũ viên chức, người lao động. Có được kết quả như trên, Thủ tướng Chính phủ căn dặn tập thể lãnh đạo, giảng viên, người lao động của Học viện luôn ghi nhớ đến công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, người lao động của Học viện qua các thời kỳ đã đóng góp tâm huyết, trí tuệ trong công tác giảng dạy, học tập và xây dựng Học viện ngày một phát triển.
Đứng trước thời cơ mới, thử thách mới, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Học viện Hành chính Quốc gia cần phải thay đổi tư duy, luôn sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập để xây dựng một nền hành chính kiến tạo, phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Để làm được điều đó, Học viện phải xây dựng được đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với vị trí việc làm; bởi vì, suy cho cùng nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là công tác tổ chức và cán bộ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Học viện cần đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng giáo trình phù hợp với thực tiễn; đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, ngoài bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hành chính, Học viện cần chú trọng bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách giảng viên, học viên, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trung thành với Đảng, có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm cao trong công việc, tận tụy phục vụ nhân dân.
Đối với công tác đào tạo sau đại học, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Học viện đào tạo, bồi dưỡng học viên có tri thức khoa học, có kỹ năng quản lý tốt, có khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ khu vực công. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, học không phải để lấy cái bằng làm trang sức mà phải lấy kiến thức để làm việc, để phục vụ nhân dân.
Không những vậy, Học viện cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, đưa ra những dự báo, những xu thế phát triển mới. Nghiên cứu khoa học phải gắn chặt với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ để Bộ Nội vụ tham mưu giúp Đảng, Nhà nước xây dựng thể chế sát với yêu cầu thực tiễn.
Học viện Hành chính Quốc gia được thành lập ngày 29-5-1959, với tên ban đầu là Trường Hành chính, trực thuộc Bộ Nội vụ; từ 1961-1987 là Trường Hành chính Trung ương; từ 1990-1992 là Trường Hành chính Quốc gia; từ 1992 được đôi tên là Học viện Hành chính Quốc gia; từ 2007-2013 sáp nhập Học viện Chính Quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, với tên gọi là Học viện Hành chính; từ 2014 đến nay là Học viện Hành chính Quốc gia. Trong chặng đường gần 60 năm xây dựng và phát triển, có hơn 25 năm trực thuộc Chính phủ. Hiện nay, Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trung tâm quốc gia đào tạo bồi dưỡng năng lực về hành chính, lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; về đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và tư vấn trong lĩnh vực quản lý công, chính sách công. Trong 60 năm qua, Học viện đã tổ chức bồi dưỡng về năng lực quản lý nhà nước cho hàng chục vạn lượt cán bộ, công chức, viên chức; lực lượng vũ trang; doanh nghiệp nhà nước. Nhiều người trong số họ đã trở thành cán bộ lãnh đạo, chủ chốt của Đảng và Nhà nước, của Bộ, ngành, địa phương. Tới năm 2017, đã có hàng chục ngàn sinh viên, hàng ngàn thạc sĩ và hàng trăm tiến sĩ tốt nghiệp, cung cấp cho hệ thống chính trị và xã hội nhân lực chất lượng cao về quản lý công. |