Ngày 18-5, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) tổ chức cuộc họp lần thứ 8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban, các thành viên Ủy ban, các chuyên gia.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, BĐKH đang diễn ra mạnh mẽ, các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận là kỷ lục trước đó.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2016 đã trở thành năm nóng nhất lịch sử tồn tại của loài người.
Theo kịch bản trung bình về BĐKH đối với Việt Nam thì mức tăng nhiệt độ trung bình năm phổ biến từ 1,3-1,7 độ C vào giữa thế kỷ, từ 1,7-2,4 độ C vào cuối thế kỷ. Nhiệt độ phía Bắc tăng cao hơn phía Nam.
Theo kịch bản cao, vào giữa thế kỷ, nhiệt độ trung bình năm ở phía Bắc tăng từ 2-2,3 độ C, phía Nam từ 1,8-1,9 độ C.
Theo các kết quả nghiên cứu về khai thác nước ngầm, nâng hạ địa chất và quan trắc lún đều cho thấy xu thế lún của địa hình tại ĐBSCL (khả năng nguy cơ ngập sẽ cao hơn so với kịch bản BĐKH đã công bố).
Các ý kiến tại cuộc họp đều nhìn nhận thời gian qua, BĐKH tác động nhanh, mạnh hơn đến nước ta, biểu hiện rõ rệt nhất là thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra liên tiếp, ngày càng nặng nề. Nguyên nhân chính là do con người với các hành vi như phát thải khí nhà kính, phá rừng, khai thác nguồn nước ngầm quá mức, khai thác cát sỏi trên sông..
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên bị ảnh hưởng lớn, trực tiếp và nặng nề của BĐKH. Xu hướng bão lũ có cường độ ngày càng mạnh hơn, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, tàn phá hạ tầng, đời sống của nhân dân ở nhiều nơi.
Nếu không ứng phó một cách hệ thống, tổng thể, hiệu quả thì chúng ta sẽ đối mặt những nguy cơ hiện hữu thiệt hại to lớn, ảnh hưởng đến sự an toàn và ổn định cuộc sống của người dân, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
Dù Việt Nam là một trong những nước ký Thỏa thuận Paris về BĐKH (COP 21) và đã có nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này. Việt Nam cũng đã làm đồng bộ 3 hợp phần về đầu tư, chính sách và nâng cao năng lực trong ứng phó BĐKH.
Nhưng theo Thủ tướng, thiên tai, BĐKH tới rất nhanh, hơn cả dự báo. Trong khi đó, còn nhiều hạn chế, yếu kém, cả trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện và đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành.
Việc lồng ghép vấn đề BĐKH vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cũng còn nhiều bất cập; nguồn lực thì hạn hẹp...
Thực tế đó đòi hỏi phải làm rõ các kịch bản BĐKH, những khó khăn, thách thức và vấn đề đặt ra đối với nước ta trong thời gian tới.
Dẫn đánh giá của một GS thủy lợi nói rằng “ở ĐBSCL nếu với cách làm như hiện nay thì sẽ tốn kém ghê gớm”, vì vậy, Thủ tướng đặt ra yêu cầu làm các công trình, dự án phải tính toán cụ thể, chứ không phải mạnh anh nào anh nấy làm trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế. Đơn cử làm đường ven biển thì cầu, cống có kết hợp với nhau được không thì phải tính toán.
“Cần đưa giải pháp thiết thực hơn để ứng phó BĐKH, nhất là đối với ĐBSCL. Sạt lở nghiêm trọng là do nguyên nhân gì, độ lún, ngập của các đô thị ĐBSCL diễn ra làm sao, giải pháp nào. BĐKH đang đến rất nhanh, cần có giải pháp tốt hơn, quyết liệt hơn”, Thủ tướng nói.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mọi cấp, mọi ngành, hệ thống chính trị, người dân phải hiểu rõ hơn tác động của BĐKH và biện pháp ứng phó.
Thủ tướng yêu cầu cần có một quy hoạch hay kế hoạch tổng thể của Ủy ban Quốc gia để hình dung các loại công việc, trước hết là xử lý được một số việc đang cấp bách, như khai thác cát trái phép, khai thác nước ngầm. Cần nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, trước hết ở vùng ĐBSCL và ven biển miền Trung, một số quy hoạch quan trọng bức thiết, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, chỉ nhìn trước mắt, không nhìn lâu dài.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành liên quan để thích ứng với BĐKH hiệu quả, trong đó cần tính cả biện pháp “phi công trình”, ví dụ nhờ trồng rừng ngập mặn mà hiện nay Thái Bình có nơi nuôi ngao lớn nhất Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó, điều quan trọng là huy động nguồn lực cho ứng phó BĐKH. Các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL, ven biển miền Trung tiếp tục nghiên cứu, cập nhật những vấn đề liên quan đến BĐKH và các thách thức đối với địa phương mình để đưa vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình, khuyến khích chủ động liên kết tiểu vùng, liên kết vùng.
Các bộ ngành cũng được yêu cầu đề xuất các cơ chế chính sách, đối sách phù hợp; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước, quốc tế cho thực hiện nhiệm vụ này, ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, BĐKH.
Bộ GT-VT thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động hàng không dân dụng.
Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai các dự án về hạ tầng kỹ thuật về phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, chống chịu BĐKH, ví dụ như đô thị sinh thái.
Bộ Ngoại giao trao đổi với các nước thượng nguồn sông Mekong và thượng nguồn các sông lớn chảy vào Việt Nam để có cơ chế trao đổi thông tin thủy văn về mùa lũ và mùa kiệt để chủ động ứng phó, quản lý…