Sáng 2-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2020.
Chính phủ chúc mừng Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận nhiệm vụ mới
Thủ tướng đánh giá, có quá trình công tác trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Chu Ngọc Anh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó. Trong nhiệm kỳ này, trên cương vị Bộ trưởng Bộ KH-CN, đồng chí Chu Ngọc Anh đã có đóng góp, nhất là về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (chỉ số đổi mới sáng tạo của nước ta tăng nhiều bậc trong năm vừa qua), chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của Bộ thường xuyên, có kiểm tra, đôn đốc, đạt kết quả tốt.
Với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thảo luận, thống nhất cử đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-CN đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và tin tưởng với kinh nghiệm công tác, đồng chí sẽ hết sức mình để xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước. Thủ tướng cho rằng, là đô thị lớn, Hà Nội cùng với TPHCM mà hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra thì cũng sẽ đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Chu Ngọc Anh chia sẻ trong suốt chặng đường vừa qua, đã cùng với ngành khoa học công nghệ nỗ lực bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng. Theo đồng chí Chu Ngọc Anh, khoa học không vào được cuộc sống nếu không có sự đồng hành của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các cấp, các ngành.
Trên cương vị mới, đồng chí Chu Ngọc Anh nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, nhận thức được niềm tin mà Đảng, Nhà nước gửi gắm để cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hà Nội đưa thành phố phát triển toàn diện và bền vững.
Mức tăng trưởng còn ở mức thấp so với tiềm năng, kỳ vọng
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ dành thời lượng thích đáng để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 và 02, tình hình phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tăng tốc, về đích trong những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tăng trưởng kinh tế quý 3 và 9 tháng dù ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua nhưng là nỗ lực đáng ghi nhận. Tăng trưởng kinh tế cả nước trong quý 3-2020 ước tính đạt 2,62%, cao hơn nhiều mức tăng 0,39% của quý 2, nhờ đó giúp GDP cả nước trong 9 tháng đạt mức tăng 2,12%. Dù là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đáng chú ý, trong 3 tháng qua, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý 2 và là động lực cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,93%, công nghiệp và xây dựng tăng 2,95% và dịch vụ tăng 2,75%. Tính chung 9 tháng, các khu vực kinh tế tăng lần lượt 1,84%, 3,08% và 1,37%.
Với mức tăng trưởng cao, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đồng thời duy trì đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh, an dân trong bối cảnh đại dịch.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý 3-2020 tăng khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực Nhà nước tăng 21,5%.
Cũng theo Bộ KH-ĐT, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%, khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%. Có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm.
Đáng chú ý, tính chung 9 tháng năm 2020, cả nước có 16.500 lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66.500 lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 75,5% về số lượt hộ thiếu đói và giảm 75,6% về số lượt nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra nhiều điểm sáng về tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 9 và 9 tháng năm 2020. Mục tiêu kép đã được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt. Đặc biệt, chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19 và lần này, đã thay đổi cách thức, cách làm trong việc ngăn chặn chứ không như lần 1. Đến nay, đã 30 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan.
Thủ tướng cho rằng, từ tăng trưởng quý 3 đạt 2,62%, đây là cơ sở để nhận định rằng chúng ta có thể tăng trưởng dương trong năm 2020. Đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh các nước ASEAN đều tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn như dịch vụ, hàng không, vận tải, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động là vấn đề cần quan tâm. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng mức tăng trưởng còn ở mức thấp so với tiềm năng, kỳ vọng mà chúng ta đặt ra đầu năm.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều giải pháp quan trọng để đạt kỳ vọng này, đạt kết quả tốt nhất trong quý 4, chuẩn bị đà cho kế hoạch năm 2021 và các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước”.
Kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơnKết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là nước kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong khối ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành đã đi đúng hướng. Bên cạnh công tác bảo đảm sức khỏe cho nhân dân thì đẩy mạnh phát triển kinh tế là hướng đi cần thiết. Tuy vậy, tiêu dùng phục hồi chậm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 9 tháng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng năm 2019, cho thấy người dân còn khó khăn và cũng đã thay đổi hành vi tiêu dùng. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải có biện pháp để kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn. Về triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại; yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là Hà Nội và TPHCM kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, nhất là nhập cảnh trái phép. Về việc mở lại các đường bay quốc tế, đây là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lây nhiễm vào cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5%-3%. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng. |