Thủ tướng: Thống nhất ý chí và hành động, sớm đưa Nghị quyết Trung ương 5 vào cuộc sống
SGGPO
Sáng 29-6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Điểm cầu chính Hà Nội khi đồng chí Nguyễn Văn Bình trình bày những điểm cơ bản của 3 Nghị quyết. Ảnh: TRẦN BÌNH
Tại điểm cầu TPHCM, tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Thanhuytphcm.vn
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã giới thiệu những nội dung cơ bản về 3 Nghị quyết: “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; “Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến, triển khai xuống đến cấp huyện, xã đối với những nơi có điều kiện.
Nội dung của hội nghị nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cơ quan chủ chốt ở Trung ương và địa phương nắm vững những nội dung cơ bản, điểm mới của các Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII; vận dụng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của các cơ quan đơn vị; tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức và hành động; sớm đưa các Nghị quyết vào cuộc sống.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hội nghị rất quan trọng, bởi nội dung là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội; là những định hướng lớn mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng cho biết, doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, từ 6.000 doanh nghiệp năm 2001 và năm 2016 chỉ còn 652 doanh nghiệp. Doanh nghiệp Nhà nước hiện đóng góp gần 30% GDP; có tài sản trên 3 triệu tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu trên 1,37 triệu tỷ đồng; năm 2016 đạt lợi nhuận trước thuế trên 161 nghìn tỷ đồng, nộp thuế nhà nước 246 nghìn tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh, từ khi Chính phủ phát động phong trào khởi nghiệp năm 2015 có gần 500.000 doanh nghiệp, năm 2016 đăng ký trên 110.000 doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2017 đăng ký mới 61.000 doanh nghiệp. Số lượng kinh doanh cá thể ngày càng tăng với hiện có gần 5 triệu hộ. Khu vực tư nhân hiện chiếm gần 40% GDP, đóng góp vai trò chủ đạo phân bổ lao động. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI năm 2016 có trên 2.000 dự án với tổng số đăng ký mới 27 tỷ USD; 6 tháng năm 2017 có 1.200 dự án mới, vốn đầu tư trên 19 tỷ USD Mỹ…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TRẦN BÌNH
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn trong các nghị quyết cần được quán triệt sâu sắc và tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức, thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp, đặc biệt là trong các cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương.
Đề cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện, nói đi đôi với làm, tránh nói nhiều, làm ít và chỉ nói mà không làm.
Sau hội nghị này, các cấp, các ngành phải sớm có chương trình hành động, kế hoạch hành động để triển khai các Nghị quyết quan trọng này. Phải sớm triển khai có hiệu quả, thiết thực, nhanh chóng đưa 3 Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống. Trong quá trình thực hiện, cần ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.