Tại điểm cầu TPHCM có sự tham dự của các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Điểm cầu TPHCM vinh dự đón tiếp các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; đại diện các chiến sĩ Điện Biên; cựu chiến binh; cựu Công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và đông đảo nhân dân TPHCM.
Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết thắng" lựa chọn Cột cờ Thủ Ngữ là một trong 5 điểm cầu thực hiện chương trình, với nhiều ý nghĩa đặc biệt. Điểm cầu tái hiện những câu chuyện về quân dân miền Nam chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
Ở chân Cột cờ Thủ Ngữ, vào ngày 23-9-1945, khi đại đội quân Anh đến để hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống, một tiểu đội tự vệ của ta đã anh dũng chiến đấu, chống trả quyết liệt tới người cuối cùng. Tinh thần quyết tử của các anh đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của quân và dân Nam bộ trong những ngày kháng chiến.
Điểm cầu TPHCM tái hiện những câu chuyện về quân dân miền Nam chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Các nội dung được thể hiện bằng hoạt cảnh kết hợp múa, màn hình led, thuyết minh viên, phóng sự, clip ngắn. Phóng sự "Miền Nam chia lửa với Điện Biên Phủ" tái hiện các phong trào đấu tranh đòi hòa bình, chống bắt lính; các trận phục kích tập kích, phá hoại sân bay, đồn bốt, tàu bè… của giặc của đồng bào Nam bộ.
Các nội dung tại 5 điểm cầu đã ghép lại một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi nơi là những nhân chứng sống; mỗi điểm cầu ghép lại thành bản hùng ca, mảnh ghép nào cũng đều mang ý nghĩa quan trọng.
Tại chương trình, khán giả cũng có dịp gặp gỡ, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử; xem lại những đoạn phim tư liệu về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra cách đây vừa tròn 70 năm và thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật với những ca khúc, sáng tác sống mãi với thời gian như "Bác đang cùng chúng cháu hành quân", "Nam bộ kháng chiến", "Người Hà Nội"...
Dịp này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng Kỷ niệm chương cho các cựu chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Dưới lá cờ Quyết Thắng" lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu “Quyết chiến - Quyết thắng” Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22-12-1953. Chương trình với quy mô lớn, ê kíp thực hiện lên đến 500 người cùng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên trực tiếp biểu diễn tại 5 điểm cầu.
Sân khấu chính là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại (đồi D1, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). 4 điểm cầu còn lại gồm: Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Nhà rông Kon Klor (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) và Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (quận 1, TPHCM).