Sáng nay 20-6, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh và thành phố trong cả nước về triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai, mưa bão lũ năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị, với sự tham gia của Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo nhiều bộ, ban ngành, địa phương trong cả nước.
Đề cập tới những thách thức của thiên tai đối với đất nước, Thủ tướng nêu lên thực trạng, hiện nay quá trình phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta vẫn chưa tính toán đủ tác động của thiên tai, nên làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Thủ tướng dẫn ví dụ, nhiều công trình hạ tầng khi thiết kế, xây dựng chưa tính đủ tác động của yếu tố thiên tai, như hệ thống giao thông, đê bao, bờ bao, hệ thống thoát nước tại một số đô thị, địa phương; việc khai thác cát quá mức, xây dựng công trình nhà cửa ven sông ven biển gây sạt lở; khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm đất ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyên nhân là do chúng ta phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành nhưng chưa gắn liền với công tác phòng chống thiên tai, cần phải chấn chỉnh trong tư duy, làm kế hoạch.
Theo Thủ tướng, yêu cầu của xã hội hiện nay là an toàn hơn trước thiên tai ngày một cao hơn, vì thế phải làm tốt hơn.
Trong khi tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu làm thiên tai ngày càng bất thường, phức tạp, cực đoan, không theo quy luật thì ý thức của một số bộ ngành, địa phương về phòng chống thiên tai, tính chủ động còn kém.
Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng người dân và tài sản của nhà nước, của nhân dân, Thủ tướng chỉ đạo Ban chỉ đạo Trung ương sớm kiện toàn, hoàn thiện quy chế hoạt động, có phương án ứng phó với thiên tai cấp quốc gia, nhất là ứng phó bão mạnh, siêu bão, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất... Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng rà soát, hoàn thiện các kịch bản, phương án ứng phó, huy động lực lượng, phương tiện ứng phó thiên tai, đặc biệt là các tình huống thiên tai lớn, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.
“Quân đội trong thời bình phải dành công sức, nguồn lực để hỗ trợ, giúp dân, các địa phương trong thiên tai”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu tiếp tục bổ sung phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt các phương tiện, thiết bị ứng phó các sự cố tràn dầu, sập công trình ngầm, sự cố hóa chất… phải chủ động hơn.
“Khi cần Thủ tướng ra lệnh, các đồng chí phải đáp ứng một cách kịp thời, không để lúng túng”, Thủ tướng nói.
Bộ TN-MT tập trung chỉ đạo tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, kịp thời chính xác. Tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống trạm khí tượng thủy văn quốc gia, các trạm chuyên dùng.
Bộ NN-PTNT đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành các dự án khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở bờ biển đã được bố trí kinh phí, hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương năm 2018.
Theo Thủ tướng, bây giờ đã là tháng 6 nhưng các địa phương triển khai rất chậm.
“Vì lý do nào đó mà chậm, không triển khai thì sẽ xử lý kỷ luật một số trường hợp, chứ không thể vào mùa mưa bão mới xử lý đê điều, hồ đập”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT, UBND TP Hà Nội tạo điều kiện, Bộ Xây dựng hướng dẫn hoàn thiện thủ tục để sớm xây dựng Trung tâm Chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai quốc gia theo kế hoạch đã đề ra.
Về đảm bảo an toàn cho 371 hồ chứa thủy điện, Bộ Công thương hoàn thiện quy trình điều tiết các hồ chứa lớn, liên vùng, quy trình điều tiết hồ chứa rõ ràng, trách nhiệm phải cụ thể.
Nêu câu hỏi: “Đô thị nào cũng để ngập hết trơn thế này, cứ mưa lớn là ngập, sao lại quản lý đô thị như vậy?”, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát quy hoạch thoát nước, khắc phục tình trạng úng ngập tại các đô thị.
Còn đối với Bộ KH-CN, Thủ tướng yêu cầu chủ trì xây dựng các chương trình, đề tài khoa học để nghiên cứu về phòng chống thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc, sạt lở ven sông ven biển ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Dẫn chứng sạt lở tại miền Trung, Thủ tướng đọc câu thơ: “Sông Bến Hải bên bồi bên lở...” của nhà thơ Tố Hữu rồi than phiền rằng, giờ sông này “lở tùm lum cả hai bên rồi” và yêu cầu “phải tìm ra quy luật sạt lở”.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Các địa phương trong cả nước là trọng tâm trong công tác phòng chống thiên tai, chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng Chính phủ và nhân dân về thiên tai”.