Trong cuộc tụ họp của hàng trăm người ủng hộ Palestine tại Đền thờ Hồi giáo lớn ở thủ đô Dakar, ông Sonko nói: “Chúng ta chứng kiến một Thủ tướng (Israel), người có quyền lực phụ thuộc vào cuộc chiến này, sinh mạng chính trị của ông ấy phụ thuộc vào cuộc chiến này. Ông ấy là người sẵn sàng bước qua hàng ngàn xác chết để giữ chức và không phải đối mặt với công lý”.
Trước những người dân cuốn khăn mang màu cờ Palestine quanh cổ, ông Sonko tuyên bố: “Chúng ta phải tập hợp tất cả những người tố cáo sự bất công này, hướng tới một giải pháp chính trị là cô lập nhà nước Israel”.
Người đứng đầu Chính phủ Senegal tự nhận theo chủ nghĩa liên châu Phi cánh tả, cho biết thêm, vấn đề là "chấm dứt sự tàn bạo của người đã được một số nước phương Tây bảo trợ và tán thành".
Ông mô tả các hoạt động đang diễn ra của Israel trên lãnh thổ Palestine là "sự hủy diệt" và tố cáo "sự bất công" mà người Palestine phải gánh chịu kể từ khi thành lập nhà nước Israel vào năm 1948.
Thủ tướng Senegal lưu ý rằng, có nhiều chia rẽ đang cản trở người Hồi giáo và người châu Phi đưa ra tiếng nói chung khi đối mặt với cuộc khủng hoảng. Ông nhấn mạnh, các quốc gia Hồi giáo vẫn "im lặng" và "kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, những hành động rõ ràng nhất (ủng hộ người Palestine) đã được Nam Phi khởi xướng", nơi người Hồi giáo chỉ là thiểu số, cùng với một số quốc gia Mỹ Latinh. Ngược lại, “tất cả những người xướng lên cho chúng ta nghe về dân chủ và nhân quyền đều là những người ủng hộ, trang bị vũ khí cho Israel”.
Là một quốc gia Tây Phi với gần 95% dân số là người Hồi giáo, ủng hộ người Palestine trên trường quốc tế, gần gũi với thế giới Arab, Senegal đã làm Chủ tịch Ủy ban Liên hợp quốc về các quyền bất khả xâm phạm của người dân Palestine kể từ những năm 1970.