Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài...
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng tới dự lễ khởi công trong không khí cả nước đang phấn khởi thi đua chào mừng, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2025); chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; nối tiếp sự thành công của chuỗi sự kiện khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025). Đây cũng là sự kiện góp phần khẳng định sự chuyển mình mạnh mẽ, phát triển nhanh và bền vững, phát huy vai trò đầu tàu kinh tế với cả nước của Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng; Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, thành phố vì hòa bình.

Thủ tướng nhấn mạnh, dự án cầu Tứ Liên sẽ góp phần giải quyết vấn đề giao thông của Hà Nội, kết nối giữa các khu vực của Hà Nội, kết nối vùng, kết nối quốc tế qua các sân bay Nội Bài và sân bay Gia Bình. Đồng thời, dự án cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hà Nội từ 8% trong năm nay như mục tiêu đã đề ra, tạo không gian phát triển mới, gia tăng giá trị đất đai, phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ, du lịch, văn hóa, giải trí tại khu vực phía Bắc sông Hồng.

Thủ tướng đánh giá cao TP Hà Nội và các cơ quan liên quan đã làm ngày làm đêm, nỗ lực hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn theo đúng cam kết, như phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp của Hà Nội tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực trong triển khai dự án, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để sớm hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, quan tâm tới đời sống người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.
Ban quản lý dự án phát huy trách nhiệm cao nhất, các nhà thầu nỗ lực rút ngắn thời gian thi công dự án xuống còn 24 tháng, đồng thời nâng cao chất lượng, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, không để tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, máy móc tiên tiến, hiện đại nhất. Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn cầu Tứ Liên phải là một điểm nhấn kiến trúc, tạo cảnh quan đẹp, xứng tầm...
Thủ tướng trân trọng cảm ơn nhân dân khu vực bị ảnh hưởng đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà cửa, nơi sinh sống để có mặt bằng triển khai dự án quan trọng này; kêu gọi người dân tiếp tục ủng hộ dự án với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cũng như trong triển khai các công trình khác, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Dự án cầu Tứ Liên là dự án quan trọng được lãnh đạo Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm, yêu cầu cần sớm triển khai, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết số 77/NQ-CP, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt và phù hợp như ban hành kế hoạch triển khai thực hiện dự án đầu tư với các mốc thời gian cụ thể, chi tiết; tổ chức các cuộc họp giao ban hàng tuần; ban hành cơ chế ưu tiên "làn xanh" xử lý ngay văn bản trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ; quyết định việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu tư vấn vượt hạn mức chỉ định thầu. Nhờ đó, chỉ sau 5 tháng từ khi có chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị, đủ các điều kiện theo quy định để khởi công, trong khi các dự án tương tự trước đây phải mất nhiều năm.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu gồm 4 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư khoảng 19.830 tỷ đồng; tổng diện tích thu hồi khoảng 62,53ha với khoảng 701 trường hợp thu hồi đất. Cầu Tứ Liên là 1 trong 18 công trình cầu đường bộ vượt qua sông Hồng thuộc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.