Sáng 12-11, trong phần trả lời chất vấn các đại biểu (ĐBQH), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập nhiều vấn đề.
Trả lời ĐB Vương Thị Hương (tỉnh Hà Giang) về việc phát triển kết cấu hạ tầng và giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng, mềm; hạ tầng kinh tế xã hội, y tế, giáo dục, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu…
Thủ tướng nêu 5 giải pháp phát triển hạ tầng thời gian tới.
Thứ nhất là phải hoàn thiện thể chế, quy định về phát triển hạ tầng, giải quyết vướng mắc, bổ sung để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện phát triển. Nội dung nào thuộc thẩm quyền chính quyền địa phương thì địa phương lo, nội dung nào thuộc Chính phủ thì Chính phủ lo, nội dung nào vượt thẩm quyền thì Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền để ban hành đầy đủ và từng bước hoàn thiện thể chế.
Thứ hai là phân tích tại sao chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo lãnh đạo Chính phủ, việc này có nguyên nhân của trung ương và địa phương chứ không riêng cấp nào. Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chính do con người, nên phải tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng.
Thứ ba là nguồn vốn, phải tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, gồm cả nguồn lực nhà nước và tư nhân, lấy nguồn lực nhà nước làm vốn mồi dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư hạ tầng.
Thứ tư là phải có công nghệ để phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành.
Thứ năm là cần tính đến việc quản trị trong phát triển hạ tầng, đảm bảo không lãng phí, chống tiêu cực, công khai, minh bạch.
ĐB Hoàng Văn Liên (tỉnh Long An) nói giải pháp đột phá để thu hút FDI sau đại dịch. Nguồn lực bên trong là quan trọng, quyết định, còn nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Trong đầu tư FDI, có các yếu tố như vốn, công nghệ, quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Trả lời, Thủ tướng cho rằng, để thu hút đầu tư, trước hết chúng ta phải có giải pháp đột phá về hành lang pháp lý. Qua làm việc với các nước và các đối tác quốc tế, có nhiều điều họ mong muốn. Họ đến Việt Nam, thứ nhất là ổn định chính trị để họ làm ăn lâu dài, bởi vốn đầu tư họ rất lớn, ví dụ Ngân hàng Standard Chartered đầu tư 8 tỷ USD vào ĐBSCL.
Thứ hai là yếu tố con người Việt Nam. Người Việt Nam cần cù lao động và rất linh hoạt, sáng tạo. Trong khi đó, chủ trương, đường lối của chúng ta cũng rất rõ khi lấy con người làm chủ thể, trung tâm, động lực và mục tiêu cho sự phát triển. Chúng ta nhất quán quan điểm “không hy sinh công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần”.
Trả lời về những ưu tiên trong những tháng cuối năm, Thủ tướng nhắc đến một số vấn đề, trong đó có chương trình phục hồi kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh đây sẽ là đột phá trong những tháng cuối năm. Hiện, Chính phủ tích cực xây dựng đề án theo một số định hướng. Đầu tiên là nâng cao năng lực y tế. Quý 3 -2021, tăng trưởng GDP âm vì thực hiện các biện pháp hành chính chống dịch. Trong chương trình phục hồi, Chính phủ xác định phải nâng cao năng lực y tế, trong đó có y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu xây dựng quỹ cho phòng chống dịch, quỹ an sinh xã hội. Hiện, theo quy định, mỗi lần có sự việc khẩn cấp, việc sử dụng tiền ngân sách gặp nhiều thủ tục hành chính. Việc thành lập quỹ theo luật pháp giúp chủ động hơn trong sử dụng, tới đây việc thành lập quỹ sẽ phải bàn và thống nhất cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tập trung đầu tư vào con người, vì đây là nguồn lực lớn nhất, là vốn quý nhất. Vì con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển. Song song đó, chú ý phục hồi hoạt động cho khu công nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể. Chính phủ cũng sẽ đầu tư vào hạ tầng.
“Cần lưu ý bài toán đầu tư công còn đang khó giải ngân, thì liệu có gói kích thích kinh tế mới có giải ngân được không nếu đầu tư vào hạ tầng”, Thủ tướng phát biểu. Đồng thời, nhấn mạnh cần đầu tư vào hoàn thiện cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Trả lời ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) về chiến lược xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thông điệp này dựa trên kinh nghiệm, bài học nhiều thế hệ lãnh đạo đi trước. Trước diễn biến nhanh, khó lường, việc đổi mới tư duy nằm trong chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.
Theo Thủ tướng, bên cạnh hoàn thiện thể chế, Chính phủ hướng đến tăng cường kỷ cương, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm để giữ sự liêm chính. Chính phủ sẽ xây dựng quy định, quy chế để kiểm tra, giám sát theo quy định.