Sáng 12-2, hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng đã khai mạc tại trọng thể tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì hội nghị.
Sau khi lắng nghe đầy đủ các ý kiến phát biểu tại hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phân tích rõ vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh, những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế, khó khăn và thách thức của vùng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị |
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong vùng nghiêm túc quán triệt các quan điểm nêu trong nghị quyết. Trong đó, quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; phát huy mạnh mẽ các nguồn lực trên tinh thần tự lực, tự cường”, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng nghiên cứu kỹ, xác định rõ lộ trình, bước đi phù hợp để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả với tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cả nước vì đồng bằng sông Hồng. Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì hội nghị |
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành liên quan và 11 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ.
Trong đó, ưu tiên hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng; đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển; phát triển hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước…
Về quản lý và sử dụng tài nguyên, Thủ tướng yêu cầu sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nước; đẩy mạnh liên kết trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học; tăng cường kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đặc biệt, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, không để bị động, bất ngờ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường trấn áp các loại tội phạm; chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, Thủ tướng đề nghị đồng hành với Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương xây dựng môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch với tinh thần “bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng cũng mong muốn nhà đầu tư có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần giữ đúng tinh thần đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện hiệu quả; chuyển hóa tiềm lực thành động lực, mang lại những những sản phẩm, công trình, giá trị cụ thể, tạo động lực phát triển vùng.
Gần 10 tỷ USD cam kết hỗ trợ và đầu tư vào vùng đồng bằng sông Hồng
Tại hội nghị, Bộ KH-ĐT đã cùng các đối tác phát triển, bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tại Việt Nam, đã ký biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác cung cấp vốn cho các dự án phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.
Số lượng dự án được ký kết là 20 dự án, với tổng quy mô vốn hơn 2,6 tỷ USD, tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng cam kết đầu tư nhiều dự án với tổng quy mô hàng nghìn tỷ đồng vào vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, nhiều dự án đã được trao chứng nhận đăng ký đầu tư ngay tại sự kiện.
Chẳng hạn, ở Hải Phòng, có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán và cho thuê, với tổng mức đầu tư 4.865,16 tỷ đồng của Công ty Thai-Holding; dự án nghiên cứu, phát triển và sản xuất Cell Pin 1, với tổng mức đầu tư 3.295 tỷ đồng, của Công ty Giải pháp năng lượng VinES; dự án khai thác tàu container, với tổng mức đầu tư 1.383 tỷ đồng, của Công ty liên doanh Zim Hải An.
Ở Quảng Ninh, có dự án sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu, với tổng mức đầu tư 3.773 tỷ đồng, của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam; dự án sản xuất khóa chốt và dập định hình Boltun Việt Nam, 4.080 tỷ đồng...
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ triển khai các dự án quy mô lớn tại vùng đồng bằng sông Hồng.
Cụ thể như, dự án bãi đỗ xe Trung tâm thương mại AEON MALL Hoàng Mai, Giáp Bát với tổng mức đầu tư 6.058 tỷ đồng; dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tràng Duệ 3, với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; dự án mới sản xuất các sản phẩm điện, điện tử và âm thanh đa phương tiện, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, của Goertek Vina...
Tổng cộng, có 30 dự án đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 167.000 tỷ đồng (tương đương 7,1 tỷ USD).