Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực và nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia; muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thì phải có con người đổi mới sáng tạo; khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách để hướng tới thành công”.
Gửi gắm đến các đại biểu, thầy cô giáo và học sinh, sinh viên (HSSV), Thủ tướng đã nhắc: Nhìn lại lịch sử của Cách mạng Việt Nam, với quan điểm “dân giàu thì nước mạnh”, tinh thần khởi nghiệp đã được Bác Hồ kính yêu nhắc đến từ rất sớm; trong Thư gửi các giới Công Thương Việt Nam ngày 13-10-1945, Bác viết: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng". Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Theo Thủ tướng, trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp, từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ. Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” bằng Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 (Đề án 1665).
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong HSSV, thanh niên Việt Nam thời gian qua, đóng góp vào thành công chung của cả nước. Đồng thời, hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã tập trung chỉ đạo tổ chức tốt Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên hằng năm, từ năm 2018 đến nay.
Thủ tướng cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn những hạn chế, bất cập. Hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nói riêng vẫn còn hạn chế, thiếu sự gắn kết; còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực, thế giới. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với HSSV triển khai còn chậm. Hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đi vào chiều sâu; hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đầy đủ. Nhiều thành tố của hệ sinh thái chưa thực sự đủ mạnh. Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo tại các địa phương còn khá dè dặt; các dự án triển khai còn ở mức độ khiêm tốn, tác động thấp.
Định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tất cả các quốc gia, khu vực. Trong một thế giới liên tục thay đổi với những thành tựu đột phá về KHCN, nhiều ngành, lĩnh vực mới nổi đang thu hút sự quan tâm, đầu tư trên toàn cầu như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hydrogen… Đây là thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội khi chúng ta khai thác tốt các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, của từng ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương và của nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ.
Để hoạt động khởi nghiệp trong HSSV phát triển đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ của nhân dân, doanh nghiệp; với những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, thiết thực, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.
“Với truyền thống yêu nước, với lịch sử nghìn năm văn hiến của dân tộc ta; với một thế hệ trẻ tràn đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo hôm nay, chúng ta tin tưởng rằng những đam mê, ước mơ, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, chắp cánh và trở thành hiện thực, để đất nước ta có những người chủ nhân thực sự siêng năng, tài giỏi, luôn sống, học tập, làm việc cống hiến hết mình, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc; sớm hiện thực hoá được sứ mệnh đưa dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi gắm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả “1 Đẩy mạnh; 2 Tăng cường; 3 Kết nối; 4 Tập trung; 5 Khuyến khích”:
“1 Đẩy mạnh”: Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên, HSSV khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
“2 Tăng cường” gồm: Tăng cường liên kết giữa các trường đại học, trường cao đẳng với các trung tâm nghiên cứu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp HSSV có thể nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu, tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành nghề thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, điều phối viên.
Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong HSSV. Phân bổ nguồn lực hợp lý giữa các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp. Lưu ý tránh tình trạng có bộ ôm quá nhiều việc, quá nhiều kinh phí, trong khi có bộ không có nguồn lực, kinh phí để triển khai.
“3 Kết nối”: Kết nối các Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các Trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Yêu cầu kịp thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khai thác cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có tại các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Kết nối nhà trường và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Kết nối các địa phương với các trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển các dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương. Kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên các bậc học cao hơn thành những nội dung, chương trình xuyên suốt.
“4 Tập trung” gồm: Tập trung nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, HSSV. Đổi mới từ cách nghĩ cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy. Tập trung đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tập trung đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV, thanh niên với các doanh nghiệp. Có cơ chế bảo đảm các ý tưởng dự án được bảo hộ tránh việc mất bản quyền. Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, lưu ý:
Sớm hoàn thành việc thúc đẩy phát triển các trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo; sớm hoàn thiện ban hành hướng dẫn việc thành lập các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, quỹ cộng đồng, quỹ quyên tặng. Các địa phương sớm thí điểm xây dựng hướng dẫn tạo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo triển khai các mô hình khởi nghiệp, các mô hình sinh kế, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH các vùng, địa phương và cả nước.
“5 Khuyến khích” gồm: Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị sử dụng các sản phẩm được hình thành từ các dự án khởi nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng chung cho các cơ sở giáo dục, gắn việc học đi đôi với hành, tránh tình trạng học trải nghiệm không có nội dung, phương pháp làm giảm hiệu quả công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm. Khuyến khích HSSV, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp và để thúc đẩy thương mại hóa được các sản phẩm nghiên cứu. Khuyến khích cán bộ giảng viên, đoàn viên thanh niên tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, có cách nghĩ mới, cách làm mới; tham gia các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.