Cùng dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Tiền Giang và các địa phương vùng ĐBSCL, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cho biết, Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, đã tham gia hợp tác, liên kết với 2 tiểu vùng Đồng Tháp Mười và tiểu vùng Duyên hải phía ĐBSCL. Với vị trí địa lý thuận tiện, nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền hơn 120km, Tiền Giang cách TPHCM khoảng 70km và cách TP Cần Thơ khoảng 100km, là khoảng cách có nhiều thuận lợi để kết nối giữa vùng nguyên liệu, vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Ngoài ra, Tiền Giang còn có các trục giao thông quan trọng như quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ 60, quốc lộ 30, đặc biệt là đường cao tốc từ TPHCM đến Trung Lương - Mỹ Thuận và trong tương lai có tuyến đường sắt TPHCM - Trung Lương. Bên cạnh đó là hệ thống các sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo đã tạo cho Tiền Giang có vị thế là cửa ngõ của các tỉnh miền Tây về TPHCM, đây là lợi thế rất lớn trong việc thu hút đầu tư của tỉnh.
Tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1762, ngày 31-12-2023.
Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; là cơ sở để lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; là nền tảng để tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đảm bảo cơ sở pháp lý, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Theo đó, nhiệm vụ đặt ra là đến năm 2030, Tiền Giang sẽ cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh có vị trí thuận lợi “trên bến, dưới thuyền”, có vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TPHCM và vùng Đông Nam bộ; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Tiền Giang đặt mục tiêu huy động tối đa nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; xây dựng môi trường đầu tư thực sự năng động, nâng cao mức độ hài lòng của nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Tiền Giang tập trung thu hút đầu tư theo hướng khai thác các thế mạnh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch là bước quan trọng, phải triển khai thực hiện tốt theo quy hoạch, bảo đảm tính ổn định, hạn chế tối đa việc điều chỉnh không cần thiết. “Triển khai quy hoạch tốt sẽ là kim chỉ nam để phát triển nhanh, bền vững, toàn diện”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Quy hoạch mở ra một đường hướng, không gian phát triển mới cho Tiền Giang trong bức tranh chung của cả nước. Việc quy hoạch đã định hướng, ưu tiên phát triển Tiền Giang với “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh”. Trong đó trọng tâm là huy động và sử dụng mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chống biến đổi khí hậu.
Tăng cường phát triển yếu tố con người theo hướng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; tăng cường kết nối vùng, khu vực và quốc tế, thông qua kết nối giao thông, kết nối chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.
Đồng thời đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, toàn diện, đồng bộ và bao trùm (giao thông, y tế, giáo dục, an sinh xã hội); đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phục vụ chế biến, chế tạo, nhất là các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, tạo ổn định và phát triển…
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tiền Giang phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Tầm nhìn dài hạn gắn với định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đối khí hậu. Phải luôn đổi mới tư duy phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển.
Đồng thời, tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển đô thị để khai thác tốt vị trí trung tâm vùng ĐBSCL với hệ thống đường bộ kết nối toàn vùng; tập trung xây dựng, phát huy hiệu quả vùng động lực kinh tế; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển; tập trung phát triển kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, du lịch theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Song song với đó, tỉnh Tiền Giang phải quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, nhất là trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến. Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và cần hoàn thiện tốt các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, chuẩn bị dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón nhà đầu tư.
“Đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh trên tinh thần “ba cùng” - “cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”. Các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch của tỉnh; tiên phong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh; đào tạo nhân lực; đóng góp ý kiến tham vấn cải cách thủ tục hành chính, góp phần tiết giảm chi phí tuân thủ; hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Các doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư đúng quy định của pháp luật; thực hiện thật tốt văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; luôn đồng hành, ủng hộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành phải giải quyết kịp thời, hiệu quả kiến nghị, đề xuất của Tiền Giang và người dân, doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ để đánh giá thực trạng, có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí...
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang: Đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được, tạo khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới, thắng lợi mới cho Tiền Giang.
Mặt khác, Tiền Giang phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng hơn để nhân dân hiểu, nắm rõ thông tin, từ đó ủng hộ, làm theo quy hoạch, giám sát thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần “"Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm – Dân thụ hưởng”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng quy hoạch tỉnh Tiền Giang vừa được công bố và xúc tiến đầu tư của tỉnh sẽ tạo nên khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới, thắng lợi mới cho Tiền Giang.
Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang, tỉnh công bố danh mục 40 dự án mời gọi đầu tư ở các lĩnh vực: Phát triển đô thị, khu dân cư; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp; kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường; nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư gần 53.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tiền Giang trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án, với tổng số vốn gần 17.000 tỷ đồng; trao Quyết định chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án khác với tổng số vốn khoảng 37.000 tỷ đồng.