Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Thừa Thiên - Huế: Cần phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội

Chiều 25-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Hội tụ các điều kiện để trở thành thành phố Trung ương

Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, năm 2022, tỉnh đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 8,56%; GRDP bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12,7 ngàn tỷ đồng, tăng 12%...

Trong quý I năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 4,9 ngàn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước tăng 3,5%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế vào chiều 25-3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế vào chiều 25-3

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10% trong năm 2023 và 6 chương trình trọng điểm gồm Chương trình phát triển đô thị (bao gồm Chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế); chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của đại diện các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Song, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế, khó khăn thách thức, trong đó chỉ rõ, kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chất lượng tăng trưởng chưa bền vững; quy mô kinh tế còn nhỏ; các ngành, lĩnh vực chủ yếu còn gặp nhiều khó khăn; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; nguồn lực phát triển từ di sản cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa; một số công trình di tích có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng; công tác chỉnh trang, nâng cấp, giữ gìn trật tự đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giải phóng mặt bằng, tái định cư còn một số bất cập; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; nhiều lĩnh vực còn thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành; chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút, đãi ngộ nhân tài; đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, nhất là trước thiên tai, lũ lụt, hạn hán…

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi và tặng quà, động viên bà con khu tái định cư dự án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi và tặng quà, động viên bà con khu tái định cư dự án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế

Thủ tướng và các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích về các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh là các điều kiện hội tụ để Thừa Thiên - Huế phát triển nhanh và bền vững, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Phát triển nhanh nhưng phải bền vững

Cơ bản đồng ý các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo, ý kiến của các đại biểu và 6 chương trình trọng điểm của tỉnh, Thủ tướng gợi mở và yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Cần làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối thông suốt nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chuyển đổi số. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; tăng tỷ trọng của lĩnh vực dịch vụ, văn hóa, du lịch; cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu nông sản; gắn kết phát triển du lịch, nhất là ở khu vực đầm phá Tam Giang.

Thủ tướng kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An và dự án tuyến đường bộ ven biển qua Thừa Thiên - Huế, tặng quà các đơn vị thi công

Thủ tướng kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An và dự án tuyến đường bộ ven biển qua Thừa Thiên - Huế, tặng quà các đơn vị thi công

Tập trung xây dựng Thừa Thiên - Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng, phát triển du lịch thông minh; gắn kết với tuyến du lịch "Con đường di sản miền Trung" và "Hành lang kinh tế Đông - Tây"; thu hút các tập đoàn lớn...

Thủ tướng gợi mở một số hướng đi cụ thể như tổ chức các chương trình Festival Huế suốt 4 mùa; thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa; phát động phong trào "Chủ nhật xanh" để mọi người dân tham gia vệ sinh môi trường… Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư). Xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước và quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ, nhân lực số. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo toàn diện gắn với đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng giáo dục mũi nhọn, phát triển tài năng; xây dựng văn hóa học đường.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số. Cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh. Thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản; "biến di sản thành tài sản", "biến tiềm lực thành nguồn lực" để phục vụ phát triển.

Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên - Huế thành Trung tâm y tế chuyên sâu, trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, truyền thông. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Thủ tướng tham quan triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Bảo tàng Đại tướng ở TP Huế
Thủ tướng tham quan triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Bảo tàng Đại tướng ở TP Huế
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Thừa Thiên - Huế: Cần phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội ảnh 7

Thủ tướng Tham quan Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An và dự án tuyến đường bộ ven biển qua Thừa Thiên - Huế; Thủ tướng tới dâng hương, tham quan triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Bảo tàng Đại tướng ở TP Huế; Thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế; Kiểm tra khu tái định cư dự án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế.

Tin cùng chuyên mục