Sáng 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì Hội nghị "Thẩm định quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch trên cơ sở bám sát để cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2025, 2030 và 2045. Quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp tình hình đất nước, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, xây dựng quy hoạch đã khó, nhưng công tác thẩm định còn quan trọng hơn. Quá trình thẩm định phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia tập trung vào phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế -xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước.
Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với 16 bộ, ngành xây dựng báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia (các quan điểm, mục tiêu và định hướng ưu tiên phát triển). Báo cáo đã được Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ thảo luận, cho ý kiến nhiều lần. Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng 41 hợp phần quy hoạch, nghiên cứu, tích hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện quy hoạch; gửi xin ý kiến các bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương và 5 ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia và các địa phương. Đồng thời đăng tải hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ KH-ĐT để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ KH-ĐT cũng đã tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có quy hoạch quốc gia của các nước như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản - các nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia ở các nước nêu trên.
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cử các chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu, góp ý cho các nội dung lớn của Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.