Sáng 21-7, tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, diễn ra hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XIII.
Trong sáng 21-7, hội nghị đã nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Trình bày chuyên đề, Thủ tướng cho rằng, đất đai là chủ đề khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan tới quá khứ, hiện tại, tương lai, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, các vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… được quốc tế quan tâm. Do đó, trong quá trình xây dựng Nghị quyết 18, các cơ quan liên quan đã đặt hàng 12 cơ sở nghiên cứu trong nước, 3 tổ chức quốc tế; tổ chức 9 tọa đàm, 12 hội thảo, 3 hội nghị ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; lấy ý kiến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều cuộc làm việc với các đảng đoàn, ban cán sự đảng. Việc thảo luận tại Trung ương về dự thảo Nghị quyết rất sôi nổi với 209 thảo luận tại tổ, 15 ý kiến tại hội trường.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vấn đề đất đai dù phức tạp nhưng phải làm. “Thực tiễn chúng ta thấy, giàu lên cũng vì đất, nghèo đi cũng vì đất, mất đoàn kết, chia rẽ, sai phạm, tham nhũng cũng vì đất. Nhưng chúng ta vẫn phải làm, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để làm. Vừa làm vừa thí điểm, rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nóng vội”, Thủ tướng nêu quan điểm.
Trong phần trình bày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung phân tích 5 nội dung, nhấn mạnh những điểm mới của Nghị quyết so với trước đây. Thứ nhất, các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai. Thứ hai, tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Thứ ba, một số quan điểm, mục tiêu. Thứ tư, một số nhiệm vụ, giải pháp. Thứ năm, công tác tổ chức thực hiện.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay và từ thực tiễn quá trình quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai; bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Về yêu cầu cấp thiết phải giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực cho phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh, đất đai là vấn đề hệ trọng, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Giải quyết tốt chính sách đất đai sẽ thúc đẩy giải phóng sức lao động, các nguồn lực cho phát triển đất nước.
“Thực tiễn cho thấy, nếu các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai được đầu tư nghiên cứu kỹ, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, đi vào thực tiễn thì mang lại hiệu quả lớn, rất lớn và ngược lại. Mặc dù vậy, các chủ trương, chính sách dù hoàn thiện tới đâu cũng không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống, mặt khác, quá trình phát triển nói chung và việc quản lý, sử dụng đất nói riêng còn chịu tác động từ nhiều yếu tố và luôn thay đổi. Do đó, chúng ta bám sát thực tiễn, vừa làm vừa đúc rút, tổng kết kinh nghiệm, mở rộng, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, đất đai là một hằng số nhưng người càng ngày càng đông hơn, do đó bài toán đặt ra là quản lý, sử dụng cho hợp lý, hiệu quả nhất. Đi công tác tại các địa phương, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, những vị trí đất đai đẹp nhất phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, từ đó mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, như thế thì phát triển bất động sản mới bền vững. Sử dụng đất đai phải hiệu quả, tính toán phù hợp. Sử dụng đất đai trước hết phải tính toán tạo ra công văn việc làm, chứ không phải để phát triển thị trường bất động sản. Phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân, Nhà nước; nếu hài hòa thì sẽ không để xảy ra khiếu kiện. “Đất đai có nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử, nên có thể không thể giải quyết ngày một ngày hai, phải kiên trì để giải quyết. Bên cạnh đó, phải giải quyết vấn đề định giá đất, đất tôn giáo, rất nhiều vấn đề phải giải quyết”, Thủ tướng phát biểu.
Nghị quyết 18 cũng bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như công khai giá đất; bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm.
Đáng chú ý, Nghị quyết đưa ra chủ trương quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang và có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương (nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch).
Về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị sẽ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị. Đây là điểm mới trong tổ chức thực hiện và điều này còn cho thấy tầm quan trọng của Nghị quyết cũng như của chính sách, pháp luật về đất đai đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các cơ quan trong cả hệ thống chính trị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chủ động tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong đó, Ban cán sự đảng Chính phủ tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết đồng bộ, hiệu quả; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vào tháng 10-2022.
Thủ tướng cũng cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao phải tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn ngay từ bây giờ, đặc biệt phải tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và trình Quốc hội khóa XV ngay vào kỳ họp lần thứ 4 sắp tới, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.