Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng cũng phân tích một số tồn tại, hạn chế như giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; những dự án tồn đọng cần giải quyết nhanh hơn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần có giải pháp nâng cao hơn; huy động và sử dụng các nguồn lực cần hiệu quả hơn; nỗ lực hơn trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh..
Sau khi phân tích dự báo tình hình, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; trong đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.
Để ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.
Ngân hàng Nhà nước tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tiếp tục tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.
Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí. Các bộ, ngành, địa phương tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng nêu rõ, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới (như chip bán dẫn, AI…). Đây là lựa chọn chiến lược, yêu cầu khách quan, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững.
Bộ TN-MT chủ trì, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, xử lý các vấn đề liên quan giá đất, các vướng mắc liên quan tới triển khai Luật Đất đai.
Chỉ rõ một số nhiệm vụ cụ thể để kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, Bộ Công thương chủ động điều hành bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng. Các cơ quan chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng cùng lúc, không giật cục.
Bộ Tài chính đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, thu đúng, thu đủ, kịp thời, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; khai thác dư địa chính sách tài khóa, nghiên cứu huy động thêm khoảng 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược.
Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tập trung cho đột phá về đầu tư công, phát huy tinh thần triển khai đường dây 500kV mạch 3. Bộ GTVT tập trung thúc đẩy 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và báo cáo cấp có thẩm quyền về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, một số tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, TPHCM…
Về an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại; làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3; bảo đảm xuất cấp gạo kịp thời hỗ trợ kịp thời, không để một người dân nào bị đói, bị rét. Thực hiện hiệu quả, thực chất phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát các đối tượng trong phạm vi quản lý nhà nước (nhất là với một số đối tượng công chức, giáo viên mầm non, viên chức trong lĩnh vực y tế) để bảo đảm chính sách hài hòa, cân đối, phù hợp sức lao động, trong tổng thể chung về cải cách tiền lương.
Cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đạt kết quả tháng 9 tốt hơn tháng 8, quý sau tốt hơn quý trước và năm sau tốt hơn năm trước.
Theo báo cáo tại phiên họp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 4,04% (lạm phát cơ bản tăng 2,71%). Các chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính - ngân sách tiếp tục được cải thiện. Tổng thu ngân sách 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ (trong khi đã thực hiện miễn, giảm 90.000 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt 40,49% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7%; vốn FDI thực hiện đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8%, cao nhất trong 5 năm qua.
Cùng với đó, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, tháng 8 có 13.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tính chung 8 tháng có 168.100 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 12,5% so với cùng kỳ (cao hơn số rút lui khỏi thị trường là 135.200 doanh nghiệp).
Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB và OECD) nhận định tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực.