Nền kinh tế tiếp tục khởi sắc
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tiếp nối đà phát triển của quý 1, tình hình tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm và có dư; nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch. Dịch bệnh được kiểm soát với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3, củng cố niềm tin, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp để tập trung phục hồi, phát triển KT-XH trong thời gian tới.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 14%. Tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, tăng trưởng tín dụng đến ngày 25-4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ. Điều này đặt ra bài toán với Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm, vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa không chủ quan với lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đến nay đã phân bổ được 42.000 tỷ đồng trong tổng số vốn khoảng 50.000 tỷ đồng đầu tư công được phân bổ năm 2022. Các dự án trọng điểm ngành giao thông tương đối bảo đảm tiến độ đề ra. Còn theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, tinh thần xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực chứng khoán nhưng không để ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường vốn…
Lập Ban chỉ đạo triển khai chương trình phục hồi và phát triển KT-XH
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, những kết quả đạt được trong tháng 4 là đáng mừng, tích cực, tạo niềm tin và là cơ sở để thực hiện các mục tiêu của các tháng còn lại và cả năm 2022. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh có thể tác động tới vĩ mô.
Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai chương trình phục hồi và phát triển KT-XH do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng ban để chỉ đạo và thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đồng thời, thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng để đôn đốc, hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế. Cùng với đó, thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng để đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng chỉ đạo theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, xăng dầu, chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới, rà soát, hoàn thiện quy hoạch điện VIII trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ đã chủ trì hội nghị về thị trường vốn trên tinh thần làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế nhưng kiên quyết xử lý những vi phạm để bảo vệ những người làm ăn chân chính, công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, thực hiện mọi biện pháp cần thiết với bước đi, lộ trình phù hợp để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5. Các thủ tục phải bảo đảm thông thoáng cho du khách nhưng kiểm soát được dịch bệnh. “Các cấp, các ngành không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, bám sát tình hình thực tế, tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đất nước đã mở cửa, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước và có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ. Trả lời về việc đã đến lúc xem Covid-19 là bệnh lưu hành, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine thì chúng ta vẫn phải thực hiện 5K nhưng có sự linh hoạt, ví dụ vừa qua không yêu cầu du khách khai báo y tế ở các cửa khẩu. Theo Thứ trưởng, hiện trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào coi Covid-19 là bệnh lưu hành mà chỉ đang trong quá trình tiến tới coi là bệnh lưu hành. Tổ chức Y tế thế giới cũng luôn cảnh báo có thể có biến thể mới của Covid-19. Do đó, dù dịch đã kiểm soát tốt nhưng trong bối cảnh dịch vẫn còn nguy cơ, độ mở cửa của Việt Nam lớn, nên không thể chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. |