Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2024, trên thế giới, các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường hơn. Song, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo, dòng chảy chính, đây là cơ hội để chúng ta “biến nguy thành cơ”.
Về kết quả công tác đối ngoại năm 2024, Thủ tướng đánh giá, trong các thành tựu chung của cả nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành ngoại giao với nhiều kết quả nổi bật, có thể khái quát ở 3 khía cạnh là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cho phát triển; củng cố tin cậy chính trị và nâng cấp quan hệ với các đối tác, tạo cục diện đối ngoại thuận lợi; tăng cường mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn hoạt động ngoại giao.
Ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những nỗ lực và thành quả đạt được của ngành ngoại giao, Thủ tướng nhấn mạnh 3 bài học quan trọng.
Một là, kiên trì đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Hai là, nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tham mưu đúng, trúng, không để Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ về đối ngoại, đối tượng, địa bàn.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có lòng tự tôn dân tộc, hoài bão lớn, nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa trông rộng, nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ và có tính chuyên nghiệp cao.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi phải hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước. Để góp phần thực hiện các mục tiêu năm 2025 của cả nước cũng như tạo đà, thế và lực cho đất nước, Thủ tướng đề nghị toàn ngành ngoại giao tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể.
Thứ hai, giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt là các nước lớn, nước láng giềng và các nước bạn bè truyền thống.
Thứ ba, hoạt động ngoại giao phải góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới trong bối cảnh mới như chip bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghiệp internet và internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới…
Thứ tư, hoàn thành việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, sắp xếp bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ năm, xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, củng cố, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất trong và ngoài nước của ngành ngoại giao.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với sự chung sức, đoàn kết, đồng lòng của các cấp, các ngành, các địa phương, ngành ngoại giao sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách, tiếp tục đạt những kết quả đột phá, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.