Theo đó, tại kỳ họp thứ nhất (diễn ra trong 9 ngày), Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách ĐBQH khoá XV; Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước như: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…
Ngoài ra, các đại biểu còn tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp cho 6 tháng cuối năm; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025…
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20-10, được tổ chức thành 2 đợt. Cụ thể, Quốc hội sẽ tiến hành họp trực tuyến trong 13 ngày (từ ngày 20-10 đến 3-11 và họp tập trung tại tòa nhà Quốc hội 6 ngày (từ ngày 8-11 đến ngày 13-11).
Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự án luật, 3 nghị quyết, cho ý kiến 5 dự án luật và thảo luận cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại buổi làm việc trực tuyến, cử tri TP Cần Thơ đã đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề xã hội quan tâm như: cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vaccine ngừa Covid-19; giải quyết vấn đề đi lại, sản xuất, kinh doanh được thông thoáng; cần có chính sách, phương pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19; giải quyết vấn đề lao động việc làm, đặc biệt là số lượng người dân quay trở về quê; tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và cảm ơn sự tham gia tích cực của bà con cử tri trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh qua khó khăn, thách thức như hiện nay thì chúng ta thấy được tinh thần “đại đoàn kết toàn dân tộc” rất cao, đây là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc ta. Cũng từ những khó khăn, thách thức này, chúng ta sẽ trưởng thành hơn. Hiện chúng ta đang chuyển sang thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa chống dịch tốt, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cho biết, sau khi thực hiện chiến lược vaccine, tính đến ngày 12-10, chúng ta có tổng số lượng vaccine hơn 88 triệu liều. Trong đó, đã tiêm được 57 triệu liều, còn khoảng 30 triệu đã phân bổ cho các địa phương để khẩn trương triển khai công tác tiêm phòng. Chính phủ đang tập trung đẩy nhanh tốt độ tiêm vaccine và tốc độ mua vaccine.
Đồng thời, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 (ngày 11-10-2021) về hướng dẫn tạm thời để thích ứng với tình hình mới. Đây là những quy định tạm thời theo một nguyên tắc chung để thực hiện trên phạm vi toàn quốc, trên tinh thần xuyên suốt, thống nhất, không ai được ban hành các giấy phép con, trái với Trung ương.
Bên cạnh các mặt đã làm được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong phòng chống dịch Covid-19 như: Năng lực y tế từ Trung ương đến địa phương còn yếu; nhiều cơ chế, chính sách chưa đúng, sát với thực tế; khâu tổ chức thực hiện vẫn còn yếu từ các cấp, các ngành, các địa phương, có nơi làm tốt nhưng có nơi không làm tốt, chưa thực sự bám sát với thực tiễn để điều chỉnh cho phù hợp; còn tình trạng cứng nhắc, cục bộ, chia cắt, thiếu linh hoạt, tạo ra khó khăn cho nhân dân; các biện pháp công nghệ còn hạn chế do năng lực chúng ta có hạn…
Tuy nhiên, với sự ủng hộ của người dân, sự nỗ lực của các địa phương, các ngành và sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cũng đã cố gắng làm những gì tốt nhất trong điều kiện có thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đây đến cuối năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: khẩn trương xây dựng và tổ chức thực biện các phương án ưu tiên cho phòng, chống dịch hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh, trong đó sẽ tăng cường độ bao phủ vaccine; điều chỉnh linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ, tài khoá để vừa giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, vừa góp phần kích thích tiêu thụ, đầu tư, thức đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh giải quyết vốn đầu tư công, hoạt động xuất khẩu, kiểm soát giá cả thị trường...
Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người dân, người lao động, doanh nghiệp nhằm nâng cao sự chống chịu, vượt qua thách thức, phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng lưu thông hàng hóa thông suốt; ưu tiên tháo gỡ các khó khăn điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để khơi thông mọi nguồn lực cho phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng chăm sóc sức khỏe, đời sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội, sớm đưa học sinh trở lại trường ở những nơi kiểm soát được dịch bệnh và đảm bảo an toàn; cũng cố quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường ngoại giao vaccine.