Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng các Bộ Xây dựng, KH-CN, Y tế, GTVT cùng thứ trưởng các Bộ.
Về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; các Phó Bí thư Thành ủy, đại diện các sở ban ngành.
3 bài học của TPHCM
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh những thành tích mà TPHCM đã đạt được trong 11 tháng qua. Từ những thành tích đó, Thủ tướng nêu ra 3 bài học của TPHCM.
Một là TPHCM đã chủ động tích cực, năng động sáng tạo ứng phó với những vấn đề mới nổi lên.
Hai là bài học đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh tự tin, đúng vai thuộc bài của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Chủ động tích cực phối hợp với bộ ngành, Chính phủ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn tồn tại nhiều năm, vượt qua thách thức mới xuất hiện.
Ba là đã chủ động huy động mọi nguồn lực xã hội để phục vụ cho sự phát triển.
Chia sẻ với những khó khăn của TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, với một thành phố lớn hơn 10 triệu dân, có vai trò vị trí đặc biệt, lúc nào cũng sẽ có những khó khăn và phải giải quyết nhiều vấn đề. “Chính phủ luôn đồng hành với TPHCM để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy những yếu tố thuận lợi để phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị TPHCM nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 19 chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2022 và yêu cầu các bộ ngành phối hợp với TPHCM để hoàn thành 19 chỉ tiêu này.
Về công việc cần tập trung thời gian tới, Thủ tướng lưu ý TPHCM cần rà soát lại các công việc, chuẩn bị cho năm 2023, trong đó tập trung vào quy hoạch (Quy hoạch TP Thủ Đức, Quy hoạch chung và Quy hoạch kinh tế xã hội).
Thủ tướng đề nghị TPHCM tập trung giải ngân đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu, chương trình phục hồi và chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó có 5 dự án trọng điểm như metro 1, metro 2, Thủ tướng đề nghị các Bộ xử lý các vấn đề còn lại mà TPHCM nêu.
"Với dự án xây dựng Vành đai 3, đề nghị các Bộ bố trí đủ vốn như đã cam kết, không chần chừ, không nêu lý do, tinh thần là phải đủ vốn để triển khai Vành đai 3, dứt khoát phải thông xe vào năm 2025", Thủ tướng nhấn mạnh. |
“Không chần chừ nữa” – cũng là điều được Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần với các Bộ ngành để giải quyết các kiến nghị của TPHCM về dự án nhà ga T3, dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TPHCM tập trung chỉ đạo điều hành và dành nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng: tiêu dùng – đầu tư công – xuất khẩu. Thủ tướng bày tỏ mong muốn TPHCM sẽ đi đầu cả nước về đổi mới công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chủ trì cùng các bộ ngành, TPHCM xây dựng một hình mẫu về đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp lập nghiệp ở TPHCM. Trong đó tập trung vào các ngành nghề mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Về các kiến nghị cụ thể của TPHCM, Thủ tướng bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung. Trong đó có các nội dung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển du lịch, xăng dầu… Thủ tướng cũng giao Bộ VHTT-DL chủ trì nội dung kiến nghị của TPHCM về cơ chế đặc thù trong lĩnh vực văn hóa thể thao.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị TPHCM tập trung đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người dân. Đồng thời làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là người có công, người nghèo khi dịp Tết sắp đến.
Cần sớm có cơ chế bảo vệ để cán bộ yên tâm làm
Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, qua 11 tháng đạt nhiều kết quả về kinh tế - xã hội, TPHCM vừa vui vừa lo. Vui vì hầu hết các chỉ tiêu năm đều đạt, vượt dự kiến. Lo vì hiện đang xuất hiện những vấn đề khó khăn vượt tầm của thành phố. Đó là tình hình biến động khó lường, như: xăng dầu, thị trường bất động sản, trái phiếu, người lao động mất việc… trong khi chỉ vài tháng nữa tới Tết. Theo đồng chí, nếu không có giải pháp ứng phó từ nay tới tết thì năm 2023 TPHCM sẽ gặp khó khăn.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, TPHCM nhận thức và ý thức sự phát triển của mình, phải nỗ lực hết sức để góp phần cùng cả nước vực dậy kinh tế trong bối cảnh khó khăn này. Theo đồng chí, TPHCM nhận thức cũng như các bộ ngành, chỉ khác nhau về vị trí, còn nhiệm vụ là chung, đều là phục vụ cho đất nước. Điều này đặt ra hai hướng, là tìm cách để đi, để bứt phá, để làm cho được, thì sẽ sinh ra sáng kiến sáng tạo dám nghĩ dám làm, dám đổi mới. Còn một hướng, nếu như tìm cách để đổ cho cơ chế, thì khỏi làm. Đồng chí nêu cảm nhận hiện nay các bộ và TPHCM đều đang tìm cách để đi, để vượt qua khó khăn.
“Lẽ thường, lúc khó khăn người dân muốn thấy hệ thống chính trị bật dậy, xông tới, lăn xả như lúc chống dịch, nhưng thực tế sự e ngại, chần chừ, lo sợ trong bộ phận không ít cán bộ là có thật. Cần tháo gỡ sớm điều này”, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ. |
Từ đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên mong muốn có sự thống nhất giữa các cơ quan để đề xuất một cơ chế bảo vệ. “Phải tìm cách để đi, thì không thể ngồi chờ, sợ sệt. Không chỉ lĩnh vực kinh tế mà văn hóa - xã hội, nhiều vấn đề TPHCM đã có rất nhiều kinh nghiệm, sản phẩm từng làm, thì chúng ta xin cơ chế thí điểm để được quyền dám làm, để yên tâm làm, không phải nơm nớp lo như một bộ phận hiện nay”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, và mong muốn sớm có cơ chế này.
Bởi có những việc, như Luật Đất đai nếu được thông qua cũng phải tới năm 2024 mới có hiệu lực. Tới khi đó, nếu ngồi chờ mà không được thí điểm những vấn đề mới, thì sẽ lỡ đi nhiều cơ hội. “Tinh thần là bàn, tháo gỡ khó khăn phải tháo gỡ cụ thể, nếu không sẽ tốn thời gian mà không có được sản phẩm giá trị”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nói.