Xác định 3 trụ cột hành động
Tại buổi gặp gỡ, tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày một số chương trình hành động trọng tâm với cử tri TP Cần Thơ.
Thủ tướng đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức hiện nay như: tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, thách thức biến đổi khí hậu ngày càng lớn; nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống được đặt ra, đại dịch Covid-19...
Trước những thách thức trên, Thủ tướng đã đề ra 3 trụ cột trọng tâm trong chương trình hành động của mình.
Trụ cột thứ nhất là yếu tố “con người”, chúng ta cần phát huy cao độ trí tuệ con người. Tất cả đều là con người, từ đường lối, chính sách, mục tiêu, tổ chức thực hiện, tốt hay xấu... đều do con người. Để làm được điều này, việc cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về mục tiêu phát huy giá trị con người Việt Nam là rất cần thiết.
Trụ cột thứ hai là phát huy giá trị thiên nhiên. Hiện chúng ta đang đứng trước các thách thức từ thiên nhiên như: tài nguyên cạn kiệt, đất đai bị xói mòn, diện tích rừng giảm, sạt lở, biến đổi khí hậu... Có thể dễ dàng nhận thấy, tài nguyên thiên nhiên của chúng ta là có hạn và vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác hiệu quả thiên nhiên.
Trụ cột thứ 3 là phát huy truyền thống, văn hóa, lịch sử của đất nước ta. Chúng ta có truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng trong hơn 4.000 năm lịch sử.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với truyền thống tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự đồng lòng, quyết tâm từ Trung ương đến địa phương và nhân dân, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tháo nút thắt cơ chế chính sách, hạ tầng cho ĐBSCL
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, ĐBSCL là vùng có tiềm năng rất lớn, tập trung dân số đông, với hơn 20 triệu người. Tiềm năng về đất đai, con người, truyền thống, văn hóa, lịch sử... thế nhưng, rõ ràng hiện chúng ta đang thiếu cơ chế chính sách. Có thể thấy tiềm năng của ĐBSCL là rất lớn, nhưng cơ chế chính sách thì còn hạn hẹp. Do đó, chúng ta phải cùng nhau xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, chương trình, dự án... để phục vụ phát triển vùng.
Ngoài ra, chúng ta phải cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, nút thắt về hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng là giao thông và hạ tầng mềm là giáo dục. Về hạ tầng giao thông, chúng ta sẽ nghiên cứu lại, quy hoạch lại toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông của toàn vùng, trong đó TP Cần Thơ là trung tâm.
ĐBSCL có hệ thống đường thủy nội địa của vùng rất quan trọng, với hệ thống sông rạch dày đặc cần được phát triển mạnh. Ngoài ra, chúng ta còn có hệ thống các cảng biển, bên cạnh cảng Cái Cui và hiện đang nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng)...
Hạ tầng giao thông đường bộ cũng cần được phát triển, trong đó có hệ thống các đường cao tốc, bao gồm cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau và hệ thống cao tốc kết nối với Campuchia. Thủ tướng cho biết: “Mặc dù, cơ cấu địa chất của ĐBSCL khác với những vùng khác nên suất đầu tư sẽ cao hơn, nhưng không vì thế mà chúng ta không làm được”.
Về giáo dục, chúng ta phải đào tạo, giáo dục về trí tuệ con người, trong đó phát huy trí tuệ, truyền thống hào hùng con người Việt Nam.