
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc triển khai dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược; tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng, liên kết tỉnh, tạo động lực, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh và vùng duyên hải Bắc bộ; phát triển của các khu công nghiệp, thu hút đầu tư; khai thác hiệu quả quỹ đất; thúc đẩy giao lưu, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ; bảo đảm an ninh quốc phòng; góp phần thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng…
Theo Thủ tướng, dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu phí dài. Để có đủ điều kiện khởi công dự án này, các cơ quan đã phải xử lý một khối lượng lớn công việc để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc như cơ chế chính sách, công tác quy hoạch, lập cũng như điều chỉnh dự án, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đề xuất sửa đổi các quy định theo hướng đơn giản, đỡ mất thời gian, lãng phí công sức, thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao tỉnh Thái Bình, chủ đầu tư, các bộ, ngành đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để đồng khởi công các dự án; cảm ơn nhân dân tỉnh Thái Bình đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà để có mặt bằng triển khai các dự án quan trọng này.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Bình sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục bảo đảm chặt chẽ; chú trọng các biện pháp kỹ thuật để xử lý nền đất yếu; bảo đảm đủ nguồn cát, nguyên vật liệu cho dự án; bảo đảm tiến độ, chất lượng, không đội vốn, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường...
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thái Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xuống tận công trình để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, động viên nhà đầu tư, nhà thầu, cán bộ, công nhân, người lao động; quan tâm đời sống người dân; tháo gỡ vấn đề nguyên vật liệu; khẩn trương quy hoạch để khai thác, phát huy tối đa lợi ích từ tuyến cao tốc.
Phát huy kinh nghiệm từ các dự án cao tốc trên cả nước thời gian qua, Thủ tướng đề nghị rút ngắn thời gian, phấn đấu vượt tiến độ dự án cao tốc qua Nam Định, Thái Bình ít nhất 6 tháng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026.
Dự án được khởi công có chiều dài 60,9km, trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định dài 27,6km, đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài 33,3km. Dự án có tốc độ xe thiết kế 120km/giờ, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Toàn dự án sẽ xây dựng 23 cầu trên đường cao tốc và 4 cầu vượt ngang cùng với 7 nút giao liên thông.
Dự án được triển khai theo phương thức đối tác công tư. Trong đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Thái Bình, nhà đầu tư là Liên danh Geleximco - Vinaconex - Phương Thanh Tranconsin - Naso CO - Hoang Cau IIC.
Đây là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư lớn nhất ngành giao thông vận tải tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay với tổng mức đầu tư 19.785 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 6.200 tỷ đồng, vốn chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư là 3.173 tỷ đồng. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm sắp xếp là 10.448 tỷ đồng. Dự án sẽ được đầu tư xây dựng trong 36 tháng, cơ bản hoàn thành vào năm 2027 và đưa vào khai thác vận hành năm 2028.
Đây cũng là dự án có quy trình tiên tiến dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số sử dụng xuyên suốt trong vòng đời của một dự án, giúp tối ưu công tác quản lý, giám sát, thi công, hạn chế lỗi và giảm thiểu chi phí thi công xây dựng. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng giúp nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình.