Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân cả nước

Chiều 30-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì, cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành đối thoại với nông dân trên cả nước, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Chủ đề của hội nghị đối thoại năm 2023 là: “Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững”.

img-8854-original-1683.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bước vào hội trường chuẩn bị hội nghị đối thoại. Ảnh: CTV
img-8857-original-7157.jpeg
Các đại biểu, nông dân tiêu biểu, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cùng đại diện các bộ, ngành liên quan có mặt tại hội nghị đối thoại. Ảnh: CTV

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, qua 4 lần tổ chức, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia.

img-4803-6258.jpeg
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc

Trước khi tổ chức hội nghị đối thoại lần thứ 5 này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cấp hội và nông dân trên cả nước. Đã có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề mà nông dân quan tâm.

img-8862-original-4787.jpeg
img-4810-9936.jpeg
Quang cảnh hội nghị đối thoại chiều 30-12
img-4819-1659.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại. Ảnh: CTV

Cùng tham gia đối thoại với nông dân tại hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh đạo các Ban Đảng như Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ KH-CN, Bộ TN-MT, Bộ Y tế, Bộ LĐTB-XH, Bộ VHTT-DL, Bộ Tư pháp, Bộ TT-TT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

img-4820-9685.jpeg
Nông dân Y Pốt Niê nêu câu hỏi với Thủ tướng. Ảnh: CTV

Có mặt tại hội nghị, nông dân Y Pốt Niê đến từ buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) nêu vấn đề: Từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng. Thủ tướng và Chính phủ sẽ có giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu này, nhất là vấn đề quy hoạch vùng trồng cà phê đảm bảo phát triển bền vững thời gian tới?

Được Thủ tướng chỉ định trả lời nông dân về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên. Các doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn vào giống, vật tư nông nghiệp để cùng nông dân tạo ra những vùng nguyên liệu chất lượng. Điều này cũng là một trong giải pháp thích ứng với quy định mới của châu Âu.

Bộ trưởng cho rằng, còn khoảng 1 năm nữa để chúng ta hoàn thiện. Tuy nhiên, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế thích ứng với những điều kiện ngày càng khắt khe của châu Âu, không chỉ với cà phê mà với nhiều loại nông sản khác. “Trách nhiệm của Bộ NN-PTNT là sẽ thông tin đầy đủ tới bà con, sẽ có tổ tư vấn của bộ cùng các đơn vị chuyên môn để giúp đỡ, đồng hành cùng nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời.

img-4832-1576.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời câu hỏi của đại biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Còn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phải chuyển sớm sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tối ưu hóa về mặt giá trị, chứ không tối ưu hóa sản lượng. “Mục tiêu là làm sao giá trị phải cao nhất trên một đơn vị diện tích. Muốn làm được điều đó, phải dựa trên công nghệ cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

img-4805-7824.jpeg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: CTV

Về câu hỏi liên quan đến chính sách cho nông nghiệp sinh thái, chuyển đổi nông nghiệp xanh… Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta cam kết tới năm 2030 giảm 30% khí metan. Thị trường châu Âu cũng đưa ra các điều kiện về sản xuất bền vững. Do đó, bắt buộc chúng ta phải sản xuất xanh. “Chúng ta đã có chính sách phát triển xanh, bây giờ phải quyết tâm thực hiện”, Thủ tướng nói.

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính tại ĐBSCL. Theo người đứng đầu Chính phủ, tổng diện tích canh tác lúa của nước ta khoảng 7-8 triệu ha/năm, mà chúng ta phấn đấu làm 1 triệu ha. Việt Nam đến nay vẫn là nước duy nhất trên toàn thế giới có chương trình này. “Bộ NN-PTNT phải hướng dẫn các địa phương trồng làm sao xanh, sạch để bán được hàng”, Thủ tướng yêu cầu.

img-4824-9829.jpeg
Nông dân Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cây Trôm (Long An). Ảnh: CTV

Cho biết rất quan tâm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại ĐBSCL, nông dân Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cây Trôm (Long An), nêu vấn đề: Thủ tướng là người trực tiếp làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) để có khoản vay ưu đãi lên tới hơn 410 triệu USD cho đề án này. Vậy Chính phủ có chính sách gì để hỗ trợ những nông dân, HTX tham gia đề án sản xuất lúa giảm phát thải, tiến tới được cấp phát tín chỉ xanh?

img-4830-8469.jpeg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lắng nghe và trả lời câu hỏi của các nông dân. Ảnh: VIẾT CHUNG

Với câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT đang hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa bán tín chỉ carbon tại một số tỉnh vùng ĐBSCL, sau đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Để hiệu quả, chúng ta phải biến ngành hàng lúa gạo thành ngành hàng tích hợp đa giá trị. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các HTX không đứng riêng mà phải liên kết với các doanh nghiệp để làm bài bản, hiệu quả hơn; đồng thời phải tư duy lại, trồng lúa không chỉ bán lúa mà bán các sản phẩm khác từ tro, trấu, thân cây lúa... tận dụng phụ phẩm để làm các sản phẩm khác, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, sản xuất lúa gạo mà không gắn quy hoạch với xây dựng thương hiệu thì rất khó xuất khẩu được nhiều sản phẩm. Đồng thời, phải có doanh nghiệp cung ứng “đầu vào” và lo “đầu ra” cho người dân. Ngân hàng phải cho vay, làm nông nghiệp mà bắt nông dân phải vay như lĩnh vực khác như bất động sản là rất khó. Phải có chính sách ưu đãi vốn riêng để bà con có thể tiếp cận vốn nhanh. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị bà con nông dân và doanh nghiệp phải xây dựng mô hình sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo quy hoạch và theo quy luật thị trường.

img-4804-7072.jpeg
Các đại biểu dự hội nghị đối thoại chiều 30-12. Ảnh: CTV

Từ điểm cầu Bến Tre, nông dân Đặng Văn Bảy đang nuôi 45ha tôm áp dụng công nghệ cao, doanh thu năm 2023 đạt 90 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng, đặt câu hỏi: Thời gian tới, Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ nông dân xây dựng chuỗi công nghiệp và hệ sinh thái tôm phát triển mạnh hơn? Bởi theo đại biểu này, con tôm Việt Nam đã có mặt ở hơn 180 nước, với kim ngạch xuất khẩu riêng ngành tôm đạt 3,5-4 tỷ USD, một số địa phương ở ĐBSCL đã phát triển mô hình lúa - tôm cho hiệu quả cao.

img-4828-9559.jpeg
Thủ tướng giải đáp những câu hỏi của đại biểu. Ảnh: CTV

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phải có quy hoạch tổng thể. Nhà nước sẽ có hỗ trợ cho bà con về vốn, thậm chí phải lo cả môi trường chung, không thể phó mặc bà con. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục lo ký kết các hiệp định để mở thêm thị trường cho thủy sản. Tuy nhiên, muốn hiệu quả thì người nông dân phải tăng cường liên kết.

img-4831-1921.jpeg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Từ điểm cầu Gia Lai, nông dân Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX Hùng Thơm (chuyên chế biến chanh dây xuất khẩu, đã mở rộng kênh bán hàng trên các sàn TMĐT trong nước và quốc tế) cho biết, phần lớn nông dân rất cần cù, nhưng điểm hạn chế lớn nhất của bà con là thiếu thông tin về thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản. Chính phủ có giải pháp gì để giúp nông dân nắm bắt thông tin thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản?

Do liên quan thị trường nên Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân được chỉ định trả lời đại biểu Đỗ Thị Mỹ Thơm. Đại diện Bộ Công thương khẳng định, bộ liên tục thông tin cảnh báo sớm để bà con có thông tin, dự báo trước.

img-4825-5553.jpeg
img-4826-1047.jpeg
Các đại biểu là nông dân đặt câu hỏi với Thủ tướng tại hội nghị chiều 30-12. Ảnh: CTV

Trả lời thêm cho câu hỏi của đại biểu Thơm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường thông tin tới bà con nông dân. Nhà nước sẽ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối thị trường thông qua các hoạt động đối ngoại, đàm phán, ký kết hiệp định… Tuy nhiên, để giữ được thị trường thì bà con phải giữ và sản xuất đạt yêu cầu của thị trường, có sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo mẫu mã, bao bì, truy xuất được. Xuất khẩu sầu riêng hiện nay rất tốt, nhưng nếu chủ quan, đưa sản phẩm kém vào thì sẽ làm ách tắc ngay, mất uy tín với bạn hàng, thị trường xuất khẩu, Thủ tướng nêu ví dụ.

Tin cùng chuyên mục