Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp vốn vay và viện trợ ODA song phương lớn nhất và đối tác hợp tác lao động thứ nhất, nhà đầu tư thứ ba, đối tác thương mại và du lịch thứ tư của Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản hiện khoảng 600.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản.
Thủ tướng khẳng định, quan hệ hợp tác tài chính là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Phía Nhật Bản đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ tài chính hiệu quả để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô, có tính lan tỏa lớn, như cầu Nhật Tân, nhà ga T2 của Sân bay quốc tế Nội Bài và gần đây nhất là tuyến Metro số 1 TPHCM (Bến Thành – Suối Tiên) đã chính thức vận hành thương mại từ cuối tháng 12-2024.
Thủ tướng cho biết, vừa qua, các bên đã tiến hành nhiều biện pháp tái cơ cấu để dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) nâng cao hiệu quả hoạt động và bước đầu đã có kết quả; đề nghị Bộ trưởng có tiếng nói thúc đẩy Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tích cực hơn nữa trong tham gia tái cơ cấu dự án này với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro để dự án thực sự là một biểu tượng hợp tác hiệu quả, cùng có lợi giữa các bên.
Theo Thủ tướng, giai đoạn hiện nay Việt Nam đang cần nguồn vốn lớn cho phát triển, triển khai các dự án với tốc độ nhanh và hiệu quả, phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025 và đạt mức 2 con số trong những năm tiếp theo, để đạt các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030, 2045.
Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc tiếp tục phát huy mạnh mẽ nội lực, tinh thần tự lực, tự cường thì sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, trong đó có Nhật Bản là rất quan trọng với Việt Nam.
Trên tinh thần quan hệ "chân thành, tình cảm, tin cậy", Thủ tướng đề nghị phía Nhật tiếp tục hỗ trợ tài chính, thúc đẩy ODA thế hệ mới dành cho Việt Nam phù hợp tình hình hiện nay với lãi suất ưu đãi, cơ chế đơn giản, thủ tục linh hoạt, triển khai nhanh để thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược mang tính thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, điện hạt nhân, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM…
Cùng với đó, tiếp tục hợp tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị với quy mô lớn hơn, tốc độ nhanh hơn, phạm vi rộng hơn, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số dự án lớn.
Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ của Nhật Bản trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ứng phó rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, các dự án thuộc cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC)…
Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, trao đổi các mặt hàng có thế mạnh của hai bên; hợp tác giữa các địa phương; hợp tác KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khai thác không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ…
Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ chuẩn bị danh sách các dự án cụ thể để phía Nhật nghiên cứu, triển khai hợp tác và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của tổ công tác chuyên trách hợp tác với Nhật Bản, góp phần đưa quan hệ hợp tác hữu nghị, Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Bộ trưởng Kato Katsunobu bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam, năm 2024 đạt 7,09% và đang hướng tới tăng trưởng 2 con số; đánh giá Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng và nhiều cơ hội phát triển.
Bộ trưởng đề nghị hai bên cùng nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy các dự án đã có và triển khai các dự án mới. Ông sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ Nhật Bản và trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản về hợp tác với Việt Nam trong các dự án hạ tầng chiến lược; cá nhân ông cũng sẽ trao đổi với JBIC về nội dung mà Thủ tướng đề cập liên quan dự án Nghi Sơn.