Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5

Sáng 3-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2023. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại phiên họp này, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về 6 nội dung chính: tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và kiến nghị.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng tân Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh lần đầu tiên tham dự phiên họp Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện đạt kết quả cao các nhiệm vụ trong quý 2 và các tháng cuối năm

Thủ tướng yêu cầu thực hiện đạt kết quả cao các nhiệm vụ trong quý 2 và các tháng cuối năm

Thủ tướng nêu rõ, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 được tổ chức trong thời điểm sau thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội. Vừa qua, 25 đoàn công tác của các thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương, nên Chính phủ mời lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp để có thêm thông tin, đánh giá về tình hình trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích kỹ những mặt đã làm được, đặc biệt là những hạn chế, khó khăn thách thức, nhất là trong sản xuất, kinh doanh để qua đó bàn giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả cao các nhiệm vụ trong quý 2 và các tháng cuối năm.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiến triển tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4, lạm phát giữ xu hướng giảm dần qua các tháng, tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc, sản xuất nông nghiệp ổn định. Tính chung 5 tháng, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng, lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 769.600 tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán. Xuất siêu 9,8 tỷ USD. Xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về giá trị.

Có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (88.000 doanh nghiệp). Đầu tư được thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31-5 đạt trên 157.000 tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%).

Bộ KH-ĐT cho rằng, nhìn chung trong 5 tháng đầu năm 2023, chúng ta tiếp tục đạt được mục tiêu tổng quát về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường bất động sản chuyển biến bước đầu. Các lĩnh vực, văn hóa, xã hội, thể thao tiếp tục phát triển. Đời sống nhân dân tiếp tục ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị chu đáo, chất lượng, bảo đảm an toàn, phục vụ tốt Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ và kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Tin cùng chuyên mục