Ngày 16-2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2. Dự phiên họp còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, Vũ Đức Đam; các bộ trưởng; thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ 2 trong năm 2022. Trước đó, tháng 1, Chính phủ đã tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 8 dự án, đề nghị xây dựng luật.
Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2 này tập trung xem xét, thảo luận, quyết định đối với đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và 8 dự án luật, đề nghị xây dựng luật.
Cụ thể, các đại biểu bàn và cho ý kiến về dự án: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật về phòng thủ dân sự; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm xứng tầm với một trong ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. "Do đó, chúng ta liên tục tổ chức các cuộc họp, trao đổi, hội thảo để tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để xây dựng hệ thống pháp luật, trong đó có thẩm quyền của các cấp. Cái gì thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Quốc hội thì chúng ta phải chuẩn bị tích cực, trình theo đúng quy định, quy trình", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành một luật sửa nhiều luật. Thực tiễn cuộc sống và công tác chỉ đạo, điều hành cho thấy còn nhiều vấn đề, nút thắt đang đặt ra, như liên quan tới việc quản lý tài nguyên, khoáng sản, các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô… Đặc biệt, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc để triển khai, thực hiện chương trình có hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tập trung, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát các luật, nghị định, thông tư liên quan tới lĩnh vực quản lý, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh, tích cực chuẩn bị các hồ sơ, dự thảo, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định của Đảng, Nhà nước. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đúng quy định, trình tự, thời hạn và nâng cao chất lượng. Các cơ quan tiếp tục quan tâm về chế độ, chính sách, nhân lực, cơ sở vật chất… cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng đề nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, có chất lượng, khuyến khích các ý kiến phản biện. Đối với mỗi dự án luật, sau khi Chính phủ cho ý kiến, nếu còn vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tổ chức hội thảo tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là tổ chức công tác truyền thông tốt. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông phối hợp tốt với các bộ, ngành làm tốt công tác này. Bởi, kinh nghiệm có những vấn đề làm đúng, trúng nhưng truyền thông không tốt thì rất dễ bị ảnh hưởng mục tiêu chung.